Nông nghiệp sạch

Giao thương kết nối nông sản Việt Nam và Ấn Độ

Thứ năm, 23/2/2023 | 11:33 GMT+7
Ngày 22/2, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp với Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) cùng các cơ quan Ấn Độ liên quan tổ chức buổi giao thương kết nối các mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến song phương.

Tại buổi làm việc, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải cho biết, Ấn Độ và Việt Nam là những quốc gia dẫn đầu về nông nghiệp và thực phẩm. Cụ thể, năm 2022, xuất khẩu nông sản của Ấn Độ tăng trưởng 19,92%, đạt 50,21 tỷ USD; xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 53,22 tỷ USD (tăng 9,3% so với năm 2021). 

Đáng chú ý, với dân số hơn 1,4 tỷ người, Ấn Độ là thị trường lớn, đầy tiềm năng tiêu thụ đa dạng các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam như trái cây, cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều, quế, hồi, thảo quả, cao su, bánh kẹo, cá tra, cá basa, các sản phẩm từ ngũ cốc… Ngược lại, một số mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến của Ấn Độ cũng có khả năng phát triển tại thị trường Việt Nam như thủy sản, gạo tấm, ớt và một số loại gia vị, rau quả.

Mở rộng giao thương kết nối các mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến giữa Việt Nam và Ấn Độ

Tại hội nghị, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng nhấn mạnh, lương thực và thực phẩm chế biến đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Trong khi đó, cả Việt Nam và Ấn Độ đều là nước nông nghiệp, đóng góp sản lượng lương thực quan trọng cho thế giới. Vì vậy, hai nước có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực ngành hàng.

Theo ông Prashant Seth, Phó Tổng giám đốc FIEO, các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm chế biến đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Ấn Độ. Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Ấn Độ hiện đang mở rộng sản xuất các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến để định hướng xuất khẩu. Trong đó, Ấn Độ định hướng phát triển các sản phẩm nông sản hữu cơ, đảm bảo chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất quốc tế và an toàn cho người tiêu dùng.

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) Đặng Phúc Nguyên cho biết, sản xuất rau quả Việt Nam cũng đang ngày càng phát triển, các sản phẩm nông sản phát triển theo xu hướng đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có duy nhất trái thanh long Việt Nam xuất khẩu được sang Ấn Độ, do hạn chế về mức thuế xuất cao và nhiều mặt hàng quả tươi của Việt Nam chưa được thị trường Ấn Độ mở cửa.

Do đó, ông Đặng Phúc Nguyên đề nghị hai quốc gia mở cửa thị trường rau quả và ký kết các hiệp định thương mại song phương để tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu nông sản giữa hai bên.

Trong buổi giao thương, các doanh nghiệp tham gia đã có cơ hội hiểu rõ tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư, kinh doanh tại mỗi nước. Từ đây góp phần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm và phát triển quan hệ giao thương nông sản giữa hai nước.

Lâm Bảo (T/H)