Sản phẩm, công nghệ

Gỗ trong suốt thay thế kính trong tương lai

Thứ ba, 23/3/2021 | 12:26 GMT+7
Gỗ trong suốt có thể trở thành vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng trong tương lai nhờ có giá trị cao và nhẹ hơn nhiều so với kính tiêu chuẩn.

Từ nhiều năm trước đây, gỗ đã được sử dụng để xây dựng nhà cửa, đóng thuyền và làm nhiên liệu đốt. Đây là nguồn vật liệu có thể tái tạo và là nhiên liệu giữ lượng carbon dioxide dư thừa từ bầu khí quyển của trái đất.

Ngày nay, khi ngành công nghiệp kiến trúc ngày càng phát triển và hiện đại hóa thì nhiều vật liệu nhân tạo giá rẻ, tiện lợi được ưu chuộng hơn nhiều so với vật liệu truyền thống. Ví dụ như những tòa nhà cao tầng tại đô thị, thành phố lớn sẽ thường sử dụng thủy tinh và kính trong suốt để tăng thêm vẻ sang trọng, hiện đại. Tuy nhiên, loại vật liệu này có khuyết điểm là không thể ngăn được ánh sáng độc hại có thể làm hư hỏng một số đồ đạc trong nhà và nó cũng không phải là vật liệu cách nhiệt tốt. Vì vậy, người ta phải tạo ra kính hai lớp tốn kém và kỳ công.

Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Maryland (Mỹ) đã tạo ra cửa sổ trong suốt bằng gỗ đặc từ những tấm gỗ thông thường nhưng có khả năng chịu lực hơn và cách nhiệt tốt hơn. Loại gỗ này có thể là giải pháp thay thế tuyệt vời cho thủy tinh trong tương lai.

Những miếng gỗ trong suốt nhỏ

Để tạo ra gỗ trong suốt, các nhà nghiên cứu đun sôi gỗ để loại bỏ lignin - một chất hữu cơ được tìm thấy trong các mạch dẫn của thực vật. Nó không chỉ tạo nên màu nâu, vàng của gỗ, mà còn là chất kết dính tự nhiên giúp cho gỗ được cứng chắc. Sau đó, miếng gỗ sẽ được tái tạo lại độ cứng bằng cách bơm epoxy vào các mạch dẫn để trở nên cực kỳ bền. Mất khoảng 10 phút cho một mẩu gỗ nhỏ và lên đến 24 tiếng cho toàn bộ một khúc gỗ lớn.

Các nhà khoa học cũng phát hiện ra cách làm cho gỗ trong suốt đơn giản hơn rất nhiều, như quét dung dịch hydrogen peroxide lên tấm gỗ rồi để dưới ánh nắng mặt trời, hoặc chiếu đèn UV trong một giờ hoặc lâu hơn cho đến khi peroxide tẩy hết các tế bào sắc tố màu nâu và gỗ chuyển sang màu trắng. Sau đó ngâm gỗ trong etanol để loại bỏ cặn bẩn còn sót lại, cuối cùng là phủ một lớp sơn epoxy và để khô cứng.

Kết quả thu được cho thấy, tuy gỗ trong suốt không hoàn toàn trong đẹp như kính nhưng đủ để dễ dàng nhìn thấy các vật thể phía sau nó.

Mặt khác, gỗ trong suốt nhẹ hơn bê tông và thép, dễ phân huỷ hơn nhựa và chịu lực gấp 10 lần so với gỗ thông thường. Vì vậy, nó có thể trở thành vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng trong tương lai nhờ giá trị cách nhiệt cao hơn và nhẹ hơn rất nhiều so với một lớp kính tiêu chuẩn với độ dày tương đương.

Độ bền và chắc chắn của sản phẩm gỗ trong suốt này còn phải được kiểm chứng qua thời gian khi nó tiếp xúc với thời tiết và ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, chắc chắn trong tương lai sẽ có nghiên cứu về cách tăng tuổi thọ của sản phẩm gỗ trong suốt và những ứng dụng thực tế của loại sản phẩm này.

Thanh Bảo (t/h)