Nông nghiệp sạch

Góp ý đưa ngành gỗ phát triển hiệu quả, bền vững

Thứ hai, 19/9/2022 | 12:54 GMT+7
Là ngành hàng có nhiều triển vọng, ngành gỗ Việt Nam đang được các hiệp hội, chuyên gia quan tâm phát triển quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, đảm bảo bền vững và uy tín cao.

Mới đây, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã tổ chức hội thảo Góp ý dự thảo Thông tư về quản lý, truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng tại Việt Nam, nhằm tăng cường kiểm soát chuỗi cung ứng, bao gồm gỗ rừng trồng.

Theo đại diện các hiệp hội gỗ địa phương, xuất khẩu gỗ là ngành hàng nhiều triển vọng, các thị trường có giá trị cao như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu đều có yêu cầu nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc gỗ, chứng chỉ quản lý rừng bền vững, bảo vệ môi trường... Bởi vậy, nếu doanh nghiệp Việt không đáp ứng được điều kiện này sẽ tự mất đi lợi thế cạnh tranh.

Góp ý đảm bảo quản lý, truy xuất nguồn gốc hiệu quả, bền vững gỗ rừng trồng tại Việt Nam

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phát biểu tại hội thảo, Việt Nam hiện có khoảng 4,4 triệu ha rừng trồng. Năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 27, quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản. Thông tư đưa ra các quy định thông thoáng về chuỗi cung gỗ rừng trồng trong nước, từ khâu khai thác tới khâu cuối cùng của chuỗi.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, doanh nghiệp có các sản phẩm gỗ xuất khẩu sử dụng gỗ rừng trồng đang gặp khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Nguyên nhân chính là do ách tắc trong việc xác định nguồn gỗ rừng trồng và tính pháp lý trong các giao dịch ở các khâu trung gian trong chuỗi cung. Nhiều diện tích rừng hiện còn thiếu các bằng chứng pháp lý về nguồn đất đai; diện tích đất trên sổ khác với diện tích thực tế, đất mua đi bán lại, giữa các bên theo hình thức không chính thống, chưa sang tên đổi sổ chính thức…

Để giải quyết vướng mắc, Thông tư mới sẽ có mục tiêu hàng đầu là tạo sự thông thoáng cho việc quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản; đồng thời đảm bảo hài hòa với các quy định của quốc tế.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa, dự thảo Thông tư mới gồm 7 chương 40 điều và 3 phụ lục, trọng tâm là quản lý sản phẩm gỗ khai thác theo chuỗi. Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành lâm nghiệp chủ trương quản lý chặt gỗ rừng tự nhiên, gỗ nhập khẩu, song song với khuyến khích xây dựng thương hiệu để truy xuất, quản lý gỗ bền vững.

Đáng chú ý, Thông tư mới có đưa ra quy định, thực vật rừng ngoài gỗ sẽ không bao gồm củi. Việc xác định khối lượng cây thân gỗ phải được tính khi còn cả gốc, rễ, thân, cành lá. Thông tư cũng sẽ phân chia cụ thể các quy định dựa trên 3 loại rừng hiện nay gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, thay vì chia thành rừng trồng và rừng tự nhiên như trước.

Các loại gỗ có nguy cơ rủi ro cũng được chỉ rõ là: gỗ khai thác từ rừng tự nhiên trong nước; gỗ nhập khẩu không thuộc vùng địa lý tích cực hoặc gỗ thuộc loại rủi ro theo quy định của hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam; thực vật rừng ngoài gỗ thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và phụ lục CITES khai thác từ tự nhiên...

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định nhận định, Thông tư 27 tạo điều kiện cho người trồng rừng, doanh nghiệp khai thác chế biến, nhưng thực tế việc truy xuất còn khó khăn vì hầu hết các bản kê lâm sản là từ hợp đồng thương mại nên doanh nghiệp rất khó chứng minh nguồn gốc, gây ra sai phạm. Doanh nghiệp kỳ vọng, Thông tư mới sẽ giúp doanh nghiệp tránh sai phạm, tăng cường tính minh bạch.

Bảo Ngọc (T/H)