Sức khỏe

Hà Nội ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng

Thứ hai, 17/10/2022 | 17:39 GMT+7
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 266/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030.

Kế hoạch nêu rõ, thành phố Hà Nội đã đạt và vượt mức tất cả chỉ tiêu theo Chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, thành phố đang phải đối diện với một số vấn đề của dinh dưỡng, đó là tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng và khác biệt giữa nội thành và ngoại thành.

Bên cạnh đó, kiến thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý theo vòng đời của người dân còn hạn chế. Phần lớn phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thiếu kiến thức và thực hành về chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày vàng. Hoạt động thể lực đạt ở mức khuyến cáo của người trưởng thành năm 2021 cũng chỉ đạt 38,3%; mức tiêu thụ muối trung bình của người dân còn cao (9 gram/ngày tính trong năm 2016). Đây đang là những yếu tố nguy cơ gây bệnh mạn tính không lây có liên quan tới dinh dưỡng.

Có thể nói, Hà Nội đang phải đối mặt với gánh nặng “kép” về dinh dưỡng, đó là tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi còn khá cao (11,8%) và tình trạng thừa cân, béo phì ở cả trẻ em và người trưởng thành đang gia tăng một cách nhanh chóng. Những vấn đề này cần phải được can thiệp đa dạng, đa chiều, đa ngành, đồng bộ và liên tục trong thời gian tới để giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người dân thành phố Hà Nội.

Đảm bảo dinh dưỡng để giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người dân

Theo kế hoạch, UBND thành phố xác định rõ 5 mục tiêu để thực hiện hiệu quả nội dung giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người dân. Cụ thể, phấn đấu đạt tỷ lệ trẻ từ 6 đến 23 tháng có chế độ ăn đúng, đủ đạt 78% vào năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030. Tỷ lệ người trưởng thành tiêu thụ đủ số lượng rau quả hàng ngày đạt 65% vào năm 2025 và đạt 70% vào năm 2030. Từ năm 2025 không còn hộ gia đình thiếu an ninh thực phẩm ở mức độ nặng và vừa.

Về tỷ lệ các trường học có tổ chức bữa ăn học đường, thành phố đặt mục tiêu xây dựng thực đơn đáp ứng theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm đạt 70% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030.

Đến năm 2025, 90% bệnh viện trong và ngoài công lập của thành phố Hà Nội tổ chức thực hiện các hoạt động khám, tư vấn và điều trị bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý của người bệnh, tỷ lệ này đạt 100% vào năm 2030.

Thành phố cũng phấn đấu đạt tỷ lệ 80% xã có triển khai tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, bà mẹ có con nhỏ dưới 2 tuổi trong gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe do trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện vào năm 2025 và đạt 100% vào năm 2030.

Thành phố yêu cầu các cơ quan, ban ngành nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp liên ngành; tăng cường tuyền thông giáo dục dinh dưỡng; nâng cao chất lượng nguồn lực; thực hiện các hoạt động can thiệp dinh dưỡng; nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ và hợp tác quốc tế.

Sở Y tế có trách nhiệm chính trong chủ trì, chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030. Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình y tế liên quan đến dinh dưỡng; đẩy mạnh triển khai công tác dinh dưỡng tiết chế trong các bệnh viện của Hà Nội.

Phương An