Văn hóa, du lịch

Hà Nội tiếp tục thực hiện các sáng kiến về thành phố sáng tạo

Thứ tư, 26/4/2023 | 14:54 GMT+7
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa phối hợp tổ chức đánh giá kết quả thực hiện các sáng kiến, cam kết của Hà Nội sau 4 năm gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (2019 - 2023).

Theo báo cáo tại buổi làm việc, sau 4 năm tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo, dù gặp không ít khó khăn, nhất là có 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Hà Nội đã nỗ lực thực hiện các cam kết khi gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo. Trong đó, đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch để thúc đẩy xây dựng thành phố sáng tạo, tiêu biểu là Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 102/KH-UBND về triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025…; phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết với UNESCO.

Bên cạnh đó, thành phố còn tổ chức nhiều cuộc thi gắn với thiết kế sáng tạo như: “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế Km số 0”, “Hà Nội sáng tạo”, “Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội”; đưa vào hoạt động nhiều tuyến phố đi bộ - những không gian văn hóa sáng tạo; tổ chức lễ hội Thiết kế sáng tạo, lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam.

Hà Nội tiếp tục thực hiện các sáng kiến, cam kết về thành phố sáng tạo

Dự kiến, đến tháng 11/2023, Hà Nội cần hoàn thành báo cáo giám sát tư cách thành viên định kỳ lần thứ nhất. Nội dung báo cáo xoay quanh những việc thành phố đã triển khai nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết của thành phố khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo.

Trên cơ sở những phần việc đã triển khai, từ nay đến cuối năm 2023, thành phố tiếp tục triển khai nhiều hoạt động kết nối, xây dựng thành phố sáng tạo như: kiện toàn ban điều phối, ban chỉ đạo; xây dựng đề án Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội, Trung tâm Công nghiệp văn hóa Hà Nội; tổ chức diễn đàn Mạng lưới các thành phố sáng tạo khu vực Đông Nam Á; tham gia các hội nghị, diễn đàn thành phố sáng tạo toàn cầu và khu vực; đẩy mạnh công tác truyền thông; củng cố các không gian sáng tạo trên địa bàn…

Theo Trưởng ban Văn hóa Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Phạm Thị Thanh Hường, từ kinh nghiệm của thành phố Kobe (Nhật Bản) và Singapore, quá trình triển khai thực hiện thành phố sáng tạo ở Hà Nội đã rất thành công, kết nối được mạng lưới với hội nghề nghiệp, chuyên gia, không gian sáng tạo. Thời gian tới, mong rằng Hà Nội sẽ có những cơ chế hình thành rõ ràng, dài hơi hơn để hỗ trợ, kết nối được đối tượng thanh niên, sinh viên như đề án xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo; có thể nghiên cứu chọn lọc, nâng tầm các sự kiện như Tuần lễ Thiết kế sáng tạo để mở rộng phạm vi tổ chức các hoạt động sáng tạo.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đề xuất, thành phố Hà Nội cần ra soát tổng thể, kỹ càng các hoạt động sáng tạo, từ đó lượng hóa, củng cố, mở rộng, kết nối các ý tưởng sáng tạo, chuyển hóa thành các dự án, sản phẩm sáng tạo.

Gia Bách