Chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp
Tại Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024 (lần thứ 6) với chủ đề: “Khơi dậy khát vọng làm giàu để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới”, Thủ tướng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận các nhóm vấn đề quan trọng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung giải quyết.
Thứ nhất, tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, phí, lệ phí, về vốn tín dụng để tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Thứ hai, quan tâm và chú trọng vào công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch ngành, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phục vụ sản xuất, chế biến nông sản.
Thứ ba, tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật để giải phóng nguồn lực từ đất đai, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai.
Thứ tư, tập trung giải quyết các cơ chế, chính sách về vốn tín dụng và bảo hiểm nông nghiệp, thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Thứ năm, tiếp tục có các giải pháp tập trung mở cửa thị trường nông sản, nhất là thị trường thực phẩm Halal, ưu tiên xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.
Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp tại Việt Nam.
Thứ bảy, tăng cường đổi mới công tác đào tạo nghề theo hướng đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển đổi nhân lực từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp và đô thị.
Thứ tám, chú trọng phát triển, đổi mới văn hóa trong nông nghiệp, nông thôn.
Thứ chín, hệ thống chính trị cơ sở phải luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nông dân và chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người nông dân, định kỳ tổ chức lắng nghe, đối thoại với người nông dân.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp
Hướng tới hoàn thành mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh
Nhằm cụ thể hóa những kết luận nêu trên, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hướng tới hoàn thành mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; giúp người nông dân khơi dậy khát vọng làm giàu, vững tin bước vào kỷ nguyên mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn trong sản xuất và tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện nay để khơi thông nguồn lực của người nông dân để xây dựng thành công nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Theo đó, tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, tổ chức triển khai hiệu quả 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp. Chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản. Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá của đột phá cho sản xuất, xóa bỏ mọi rào cản về đất đai, thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ các quy định đối với người dân, doanh nghiệp. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ để đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực (quốc gia, vùng, địa phương).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng kết, đánh giá kết quả xây dựng thí điểm 5 vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa tập trung, đồng thời hướng dẫn địa phương xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tổ chức lại và đổi mới các hình thức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung làm tốt công tác dự báo thị trường kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các FTAs, nhất là EVFTA, CTPPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tháo gỡ rào cản để thẩm nhập thị trường mới còn nhiều tiềm năng, đặc biệt là thị trường thực phẩm Halal.
Xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; có các giải pháp nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học tại các ngư trường; tập trung giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC để gỡ “thẻ vàng” trong năm 2025, ngăn chặn và xử lý nghiêm tầu cá khai thác trái phép ở nước ngoài; nghiên cứu, đề xuất trích lập Quỹ phát triển hạ tầng thủy sản để có thể tập hợp, huy động được nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng thủy sản.
Tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt và có hiệu quả Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030; Chiến lược phát triển khuyến nông đến năm 2030, định hướng đến 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy chế biến, bảo quản nhằm đa dạng hoá sản phẩm, đảm báo chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và giảm tổn thất sau thu hoạch các sản phẩm nông lâm thuỷ sản.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu và sớm trình Chính phủ ban hành các Nghị định về Khuyến khích cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản đầu tư áp dụng hoặc chuyển đổi công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ sạch thân thiện môi trường và Nghị định về cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp…
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiệu quả chuỗi cung ứng gạo gắn với dịch vụ logistics ra thị trường quốc tế. Nghiên cứu việc triển khai sàn giao dịch hàng hóa nông sản chuyên biệt, có thế mạnh như thóc gạo, cà phê, tiêu, chè…; nghiên cứu xây dựng chỉ số giá cả một số nông sản có thế mạnh của Việt Nam làm cơ sở tham chiếu giá thế giới nhằm nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh. Chủ động tham mưu, đề xuất các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động xây dựng và ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các giải pháp về thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng xanh và bền vững. Tập trung, ưu tiên nguồn lực cho đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư vào hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản. Chú trọng kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương…