Theo đó, về quan điểm tiếp cận xây dựng và hoàn thiện dự án Luật này, Chính phủ xác định yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng; bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia bao gồm cả chù quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các Bộ, các ngành. Chính phủ, các Bô tập trung xây dựng chính sách, thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, thanh tra, kiểm tra, giám sát, không can thiệp, làm thay đổi hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Theo nghị quyết, Chính phủ cơ bản thống nhất quan điểm về các vấn đề lớn của dự án Luật. Giao Bộ Công Thương tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến tham vấn các cơ quan liên quan, xin ý kiến các cơ quan của Quốc hội, hoàn thiện dự án Luật bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án Luật trình Quốc hội.
Thực hiện bảo dưỡng giàn khoan trên biển
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến thành viên Chính phủ hoàn thiện dự án Luật theo hướng:
Hoàn thiện quy định nguyên tắc các vấn đề tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong dự thảo Luật nhằm minh bạch cơ chế tài chính đặc thù của PVN, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật ngân sách nhà nước, kế toán, kiểm toán và bảo đảm lợi ích Nhà nước.
Hoàn thiện quy định phân cấp cho Hội đồng thành viên PVN quyết định, chịu trách nhiệm việc góp vốn tham gia các hợp đồng dầu khí gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo thẩm quyền của Bộ Công Thương, các Bộ liên quan và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Quy định rõ trách nhiệm của Cơ quan đại diện chủ sở hữu, Hội đồng thành viên PVN trong việc phê duyệt các vấn đề liên quan đến sử dụng vốn nhà nước của PVN và doanh nghiệp 100% vốn của PVN khi thực hiện hoạt động dầu khí, nhằm khắc phục vướng mắc về quy trình, thủ tục góp vốn, đầu tư, xây dựng trên đất liền, trên biển, kiểm soát rủi ro của PVN và doanh nghiệp 100% vốn của PVN phù hợp với nguyên tắc quản lý, sử dụng vốn nhà nước, quyền đầu tư kinh doanh, trách nhiệm của doanh nghiệp, trong đó quy định rõ vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực của Bộ Công Thương, các Bộ và quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp bảo đảm phân định, lý giải rõ căn cứ áp dụng quy định chung và quy định đặc thù áp dụng Luật này trong quá trình sửa đổi Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước, pháp luật thuế... bảo đảm thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bộ Công Thương tập trung hoàn thiện dự án Luật, bảo đảm chất lượng dự án Luật theo yêu cầu của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội.