Nông nghiệp sạch

Hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 12

Thứ ba, 28/2/2023 | 00:21 GMT+7
Ngày 27/2, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 12 năm 2023.

Theo Vinacas, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong năm 2022 đạt 519.782 tấn, trị giá 3,08 tỷ USD, giảm 10,3% về lượng và 15,1% về giá trị so với năm 2021. Dự báo, năm 2023 ngành điều Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn, như nhu cầu tiêu thụ chậm, giá khó tăng. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn từ tình hình kinh tế, chính trị quốc tế; biến động tỷ giá USD/VND; xu hướng tiêu dùng giảm, chi phí chế biến ngày càng tăng...

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas chia sẻ, sự kiện được tổ chức nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm hạt điều của Việt Nam, xúc tiến xuất khẩu, thúc đẩy tiêu dùng, xây dựng và củng cố mối quan hệ bền vững, lâu dài giữa các doanh nghiệp, hiệp hội ngành điều Việt Nam và thế giới.

Hội nghị điều quốc tế Việt Nam năm 2023

Theo đó, tại hội nghị, các chuyên gia, doanh nghiệp ngành điều Việt Nam cùng cộng đồng các nhà chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại… điều nguyên liệu, điều nhân quốc tế cùng nhau trao đổi, thảo luận nhiều thông tin, phân tích, đánh giá, nhận định, đề xuất những giải pháp, sáng kiến giúp ngành điều Việt Nam và thế giới phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới.

Dịp này, Vinacas đề xuất Bộ Công Thương sớm có các chương trình khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, cải tiến công nghệ thiết bị, chuyển đổi số, nâng cấp cơ sở chế biến phù hợp tiêu chuẩn quốc tế... Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng, đầu tư chế biến sâu các sản phẩm liên quan hạt điều và đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu. 

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, khi các thị trường quan trọng ngày càng ưu tiên các sản phẩm được sản xuất xanh, đề cao việc bảo vệ môi trường, ngành điều cần tiên phong trong thực hành sản xuất, kinh doanh xanh. Cụ thể, cần tập trung xây dựng mô hình quản trị theo chuỗi giá trị, truy xuất được nguồn gốc, giảm mức độ phát thải carbon đến mức thấp nhất. Trong vòng 5 năm tới, nếu không chuyển đổi sản xuất xanh thì hạt điều Việt Nam khó đi thị trường cao cấp dù sản lượng đứng đầu thế giới.

Ông Michael Waring, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Hạt quả khô quốc tế (INC) kiêm Thường trực Ban chấp hành Hội đồng Điều toàn cầu (GCC) góp ý, hạt điều đang ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tiêu dùng các loại hạt của người tiêu dùng thế giới. Trong tương lai, các quốc gia cần tập trung đến nhóm người tiêu dùng trẻ bởi thế giới đang có 2,4 tỷ người thuộc thế hệ Gen-Z, đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ, quyết định mua sắm các sản phẩm cho gia đình. Các khu vực khác như Ấn Độ, châu Phi cũng là đích đến tiềm năng để mở rộng chiến dịch khuyến khích sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên từ các loại hạt và trái cây sấy trong thời gian tới.

Ngọc Huyền