Nhiều giá trị về tài nguyên thiên nhiên và nhân văn
Theo Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045, thành phố Đà Lạt có quy mô diện tích ranh giới khoảng 3.359,3 km2 (gấp 10 lần diện tích thành phố Đà Lạt hiện nay). Bao gồm thành phố Đà Lạt và các huyện: Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương và một phần huyện Lâm Hà. Phạm vi quy hoạch từ cao độ 850 mét trở lên, có các dãy núi cùng quần thể thực vật phong phú bao quanh và phân thành hai nửa hệ sinh thái: phía bắc có độ cao trên 1.200 m và phía Nam có độ cao dưới khoảng 1.000 m. Thành phố Đà Lạt do đó có đặc trưng khí hậu miền núi ôn hòa và dịu mát quanh năm.
Cùng với tài nguyên vô giá về khí hậu, cảnh quan của hệ sinh thái đa dạng sinh học, Đà Lạt còn chất chứa trong mình nó những giá trị văn hóa, lịch sử hình thành của một vùng cao nguyên và quỹ di sản về kiến trúc đặc sắc. Thành phố Đà Lạt trở thành đô thị hội đủ các giá trị cốt lõi để trở thành một trong những đô thị phát triển về kinh tế, khu nghỉ dưỡng hấp dẫn, kỳ thú vào bậc nhất của Việt Nam và khu vực.
Thành phố Đà Lạt ngay từ những ngày đầu thành lập cách đây 130 năm, các nhà quy hoạch đã xác định phải đạt được những yêu cầu như: độ cao phù hợp, diện tích đủ rộng, nguồn nước đảm bảo và khí hậu ôn hòa.

Nhiều tham luận và ý kiến trao đổi có ý nghĩa tại hội thảo
Trong lời đề dẫn hội thảo, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Quang Trung nhấn mạnh: “Quy hoạch phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045” là việc định hướng quy hoạch dài hạn về tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan trong lòng đô thị và ngoài đô thị và là một trong những bản sắc rất riêng của Đà Lạt, trong đó có nhiệm vụ giải quyết các tồn tại của quá trình thực hiện quy hoạch được duyệt. Để luôn gìn giữ đặc trưng bản sắc Đà Lạt theo thời gian và hướng tới tiêu chí tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu; đồng thời không chậm chân với xu thế tiến bộ, văn hóa, văn minh của các đô thị khác trong cả nước, Đà Lạt hôm nay và ngày mai rất cần có một định hướng dài hạn, chính sách đặc thù, cơ chế để thực hiện thành công ý tưởng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận giai đoạn 2045 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
Kế thừa, phát huy để Đà Lạt xanh và hiện đại
Tham gia hội thảo, GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính , nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam và là chuyên gia hàng đầu về bảo tồn, trùng tu di tích, nghiên cứu di sản kiến trúc đô thị và lý luận kiến trúc nhấn mạnh, thành phố Đà Lạt cần điều tra, đánh giá lại về các mối tương quan, giữa cảnh quan thiên nhiên với đô thị hóa, giữa kiến trúc (di sản) với kiến trúc mới, giữa diện tích đất với diện tích đã sử dụng…Ông cũng cho rằng, cần xác định 3 vùng: lõi, đệm và mở rộng; xác định vùng thâm canh. Đồng thời, sớm xây dựng quy chế quản lý đô thị, đặc biệt là vùng lõi, di sản đô thị, công trình kiến trúc có giá trị (di tích)…

Không gian đô thị Đà Lạt mới bao gồm dãy núi LangBiang và Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà
Đồng chủ trì hội thảo với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S và Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng Lê Quang Trung, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho biết quy hoạch lần này, bên cạnh giải nén, giải quyết các vấn đề hiện tại và tương lai của Đà Lạt. Đây là những cơ sở khoa học của lộ trình quy hoạch xây dựng Đà Lạt thành đô thị xanh trực thuộc trung ương. KTS. Trần Ngọc Chính cũng đánh giá cao tham luận của GS. Jame H. Spencer-Chủ tịch Viện nghiên cứu và phát triển Third Rock, Hoa Kỳ với tham luận về bộ khung quy hoạch thành phố Đà Lạt. Trong đó, tôn trọng và bảo vệ những giá trị về thiên nhiên, di sản và phát huy hiệu quả những giá trị đặc biệt này.
Theo GS. Jame H. Spencer, các quy tắc thiết kế cho Đà Lạt nên tập trung vào 5 yếu tố để phát triển ngành du lịch và được tích hợp vào cả thiết kế cơ sở hạ tầng của thành phố là: (1) điểm đến đầu tiên cho các sự kiện; (2) điểm đến du lịch nông nghiệp; (3) điểm đến cho sức khỏe tự nhiên, nghỉ hưu và hồi phục; (4) một điểm xuất phát cho những cuộc phiêu lưu mới và (5) một nơi cư trú cố định cho những chuyên gia liên quan đến nền kinh tế trong khu vực.
Cũng bàn về du lịch của Đà Lạt, ThS.KTS. Nguyễn Thu Phong, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch NVC Planning & Landscape nhấn mạnh: “Công tác tổ chức quy hoạch phân vùng du lịch là hết sức quan trọng, làm rõ các tiềm năng cơ hội phát triển từng địa điểm trong tổng thể chung tạo nên một kịch bản phát triển tầm vóc và ổn định trong tương lai”.

Những mảng xanh và mặt nước tại trung tâm thành phố là giá trị cốt lõi và quý của đô thị Đà Lạt
TS. KTS. Trần Thị Lan Anh (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), cho rằng để phát triển Đà Lạt thành đô thị hiện đại đẳng cấp quốc tế, cần các yêu cầu như: phát huy thương hiệu và phát triển đáp ứng yêu cầu cạnh tranh quốc tế; tận dụng hợp lý giá trị sử dụng của từng loại tài nguyên để xây dựng các định hướng phát triển không gian và quy hoạch sử dụng đất xem các tài nguyên này là những tài sản có giá trị kinh tế’ xây dựng hình tượng đô thị; bản sắc đô thị được thể hiện qua di tích kiến trúc và các hoạt động văn hóa, phong tục tập quán, hoạt động cộng đồng…; cách tân đô thị là then chốt mở lối phồn vinh; xác định hệ thống không gian công cộng như là bộ phận cấu trúc không gian đô thị…
Cũng bàn về mở rộng không gian đô thị Đà Lạt, TS.KTS. Nguyễn Ngọc Bình (nguyên Phó vụ trưởng Văn phòng Chính phủ) cho rằng cần nghiên cứu “về các hướng là tất yếu để thức tỉnh, khai thác hiệu quả những thế mạnh, nội lực lớn lao của khu vực phụ cận còn đang tiềm ẩn; hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình đô thị hóa”. Ông Bình cũng khẳng định Đà Lạt cần bảo vệ và phát huy 3 giá trị cốt lõi gồm: khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và quỹ di sản công trình kiến trúc lâu đời, có giá trị cao.

Phố trong rừng và rừng trong phố góp phần tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc của Đà Lạt
Bài toán hài hòa và tính bền vững của phát triển đô thị
Theo TS.KTS. Trương Văn Quảng, Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam, hệ giá trị cốt lõi, đẳng cấp nổi bật của đô thị Đà Lạt bao gồm: đặc thù về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên; văn hóa, lịch sử; di sản kiến trúc. Nhưng theo ông, “Đà Lạt cũng không nằm ngoài tình trạng chung, đang phải đối mặt với các thách thức không nhỏ, như (i) Tác động của quá trình đô thị hóa, mở rộng đô thị, tăng qui mô dân số, lượng khách du lịch...; (ii) Cảnh quan nông nghiệp đô thị công nghệ cao đang có nguy cơ ảnh hưởng đến giá trị thẩm mĩ vốn có của thành phố...; (iii) Sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển và ngược lại...; (iv) Cơ chế chính sách trong quản lý phát triển đô thị chưa gắn với lòng tự hào của người dân thành phố để chuyển hóa thành hành động trong công tác phát triển cân bằng giữa quy hoạch đô thị và bảo tồn phát huy hệ giá trị cốt lõi của Đà Lạt…”.
Còn trong tham luận của mình, TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn đã đóng góp 6 chiến lược mới cần được tích hợp vào bản đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung và vào cơ chế quản lý. Nhằm bảo tồn, chỉnh trang và phát triển Đà Lạt theo hướng bền vững. Theo đó, ông Ngô Viết Nam Sơn đã nêu về quy hoạch từng phân khu cụ thể với các đặc trưng và chức năng khác nhau.

Các nhà quản lý, doanh nhân cùng tham gia ý kiến tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu còn được nghe tham luận Quy hoạch đô thị tương lai hậu carbon của KS. Félix Pouchain, chuyên gia quy hoạch tại AREP, Paris, Cộng hòa Pháp. Tác giả cho rằng, các đô thị để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 cần thực hiện giải pháp chiến lược cụ thể cho các nội dung sau: sử dụng đất, giao thông vận tải, sản xuất thực phẩm, sản xuất hàng hóa và dịch vụ, chuyển đổi các tòa nhà và chuyển dịch năng lượng…
Phát triển thành phố Đà Lạt là sự gợi ý cho các đô thị khác
Kết luận hội thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, KTS. Trần Ngọc Chính cho rằng, nhiều nội dung của hội thảo không chỉ giúp Lâm Đồng phát triển mà cho cả nước và quốc tế, trong đó thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và năm 2045. Ông Chính cũng khẳng định, Đà Lạt là đô thị rất Việt Nam và cũng khác với các đô thị ở Việt Nam, đó là có nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, di sản trong đó bao hàm cả văn hóa…Mục đích hội thảo do đó là giữ gìn Đà Lạt như người dân và du khách quốc tế mong muốn. “Bản quy hoạch tốt đến đâu nhưng công tác quản lý vẫn là điểm cuối, là hơi thở sống còn”, ông Chính nhấn mạnh.

Phát triển đô thị Đà Lạt đồng thời hướng đến trung hòa carbon và ứng phó với biến đổi khí hậu
Đại diện lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TS. Phạm S đã trân trọng lắng nghe và ghi nhận các ý kiến hàm chứa nhiều tính học thuật và tình cảm yêu quý đô thị Đà Lạt từ các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý và doanh nhân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng khẳng định, những hạn chế được các đại biểu nêu lên như xâm lấn tài nguyên thiên nhiên, kiến trúc, nhà kính nông nghiệp… địa phương sẽ tiếp tục khắc phục. Những vấn đề đặt ra là: không phát triển du lịch tổn thương đến tài nguyên thiên nhiên; không phát triển nóng về nhà ở, nhà cao tầng; ứng phó với biến đổi khí hậu…