Hợp tác Mekong - Lan Thương hướng đến phát triển bền vững, phòng chống thiên tai

Thứ tư, 6/7/2022 | 17:24 GMT+7
Mới đây, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ 7 đã diễn ra với các nội dung liên quan đến tăng cường hợp tác nông nghiệp, phòng chống thiên tai, hải quan và tạo thuận lợi thương mại, giao lưu giữa các nền văn minh MLC.

Hội nghị diễn ra tại Bagan, Myanmar với sự tham dự của các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao những đóng góp tích cực của MLC đối với hợp tác và phát triển ở khu vực, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhiều dự án hạ tầng lớn đã được hoàn thành; hàng trăm dự án hỗ trợ kỹ thuật được triển khai. Các nước thành viên cũng thành lập các trung tâm hợp tác chuyên ngành, tổ chức các diễn đàn đối thoại chính sách thu hút sự tham gia của đông đảo Bộ, ngành và địa phương các nước thành viên.

Hội nghị đã nhấn mạnh các nguyên tắc hợp tác đồng thuận, bình đẳng, tham vấn lẫn nhau, chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế; đồng thời nhất trí thúc đẩy hợp tác MLC theo hướng củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên, xây dựng Cộng đồng ASEAN và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Tăng cường hợp tác nông nghiệp, phòng chống thiên tai, phát triển bền vững thông qua hợp tác Mekong - Lan Thương

Đặc biệt, hội nghị đã thông qua thông cáo báo chí chung và 4 tuyên bố chung về tăng cường hợp tác nông nghiệp, phòng chống thiên tai, hải quan và tạo thuận lợi thương mại, giao lưu giữa các nền văn minh MLC.

4 tuyên bố chung bao gồm: phục hồi và phát triển kinh tế thông qua tăng cường kết nối, thương mại, kinh tế số, năng lực sản xuất, chuỗi cung ứng tự cường, tạo thuận lợi thương mại và thông quan.

Quản lý thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững tài nguyên nước. Trong đó, thúc đẩy đối thoại chính sách, trao đổi kỹ thuật và nâng cao năng lực trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển cơ sở hạ tầng bền vững; quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn động vật hoang dã; mở rộng hoạt động chia sẻ dữ liệu nguồn nước; triển khai nghiên cứu chung và tăng cường hợp tác giữa Trung tâm hợp tác tài nguyên nước MLC và Ban thư ký Ủy hội sông Mekong.

Củng cố an ninh y tế, nhất là nâng cao khả năng kiểm soát và phòng chống dịch bệnh, năng lực cho đội ngũ y tế, thúc đẩy hợp tác y học cổ truyền.

Giao lưu nhân dân thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch, truyền thông, thể thao, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, trong giai đoạn hậu đại dịch, các nước thành viên cần bảo đảm MLC phát triển theo hướng thiết thực, lấy vấn đề tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững làm ưu tiên hàng đầu, đem lại lợi ích thực chất cho người dân; đồng thời đề xuất 4 nhóm biện pháp chính.

Đó là: lấy hợp tác phục hồi kinh tế và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế làm trọng điểm, tăng cường hợp tác hải quan và tạo thuận lợi thương mại nhằm giải quyết tắc nghẽn hàng hóa, bảo đảm lưu thông hàng hóa và dịch vụ.

Hỗ trợ các nước thành viên thích ứng biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, bao gồm nâng cao năng lực sản xuất và lưu trữ năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp thông minh, thích ứng khí hậu.

Đẩy mạnh hợp tác quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là đẩy nhanh việc xây dựng Kế hoạch hành động hợp tác tài nguyên nước MLC giai đoạn 2023 - 2027.

Tăng cường kết nối nhân dân thông qua khôi phục và mở rộng hoạt động du lịch, hợp tác giữa các chính quyền địa phương và các chương trình văn hóa, thể thao, truyền thông, trao quyền phụ nữ và thanh niên.

Phát biểu của đại diện Việt Nam được các nước thành viên đánh giá cao, tiếp thu và thể hiện trong các văn kiện của hội nghị.

Thanh Bảo (T/H)