Nông nghiệp sạch

Hướng đến nông nghiệp sạch, bền vững ở Phú Yên

Thứ hai, 15/11/2021 | 17:00 GMT+7
Ngày 15/11, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Phú Yên nhằm đánh giá lại những kết quả đạt được trong các chương trình hợp tác khuyến nông thời gian qua, đồng thời định ra phương hướng cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp của tỉnh sau này.

Thời gian qua, tỉnh Phú Yên tiếp tục giữ vững được tốc độ phát triển ngành trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, phát triển các vùng nguyên liệu cho chế biến công nghiệp.

Năm 2020, tỉnh đã lai tạo và nhân giống thành công nhiều giống cây nông nghiệp có ưu thế vượt trội. Xây dựng, phát triển được nhiều vườn cây ăn quả đạt chất lượng như sầu riêng, bơ, mít Thái, mãng cầu, cam, bưởi, quýt… mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh Phú Yên đã phát triển theo hướng trang trại, quy mô tập trung, gắn với kiểm soát dịch bệnh. Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2020 tăng gấp 1,4 lần so với năm 2015, nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm khoảng 20,4% trong cơ cấu nội bộ ngành.

Tại buổi làm việc, đại diện TTKNQG đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên, đồng thời cho biết, năm 2021, tỉnh Phú Yên tiếp tục triển khai 4 dự án khuyến nông trên địa bàn, trong đó trồng trọt có 1 dự án, chăn nuôi có 1 dự án và lâm nghiệp có 2 dự án.

Cụ thể, dự án trồng trọt là sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá sắn do virus gây hại tại vùng trồng sắn trọng điểm của tỉnh tại huyện Đồng Xuân. Dự án về chăn nuôi là nuôi vịt biển đảm bảo an toàn sinh học tại huyện Phú Hòa. 2 dự án lâm nghiệp bao gồm xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô với tổng diện tích 95ha ở huyện Đồng Xuân; dự án trồng thâm canh giổi ăn hạt bằng cây ghép, quy mô 7ha tại huyện Sông Hinh.

Phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên theo hướng sinh thái, bền vững

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc TTKNQG cho biết, mục tiêu của việc thực hiện các nhiệm vụ khuyến nông ở tỉnh Phú Yên là đưa công nghệ về địa phương, duy trì và nhân rộng các mô hình nông nghiệp sạch, tiên tiến, hiệu quả và bền vững.

Về vấn đề hoạt động của hệ thống khuyến nông, ông Lê Quốc Thanh cho biết: TTKNQG hiện rất trăn trở về hoạt động chung của hệ thống, đặc biệt trong duy trì sự xuyên suốt từ TTKNQG đến khuyến nông tỉnh, khuyến nông huyện, khuyến nông cơ sở. Trong đó, cán bộ khuyến nông cơ sở là đội ngũ trực tiếp chuyển giao công nghệ, đào tạo tập huấn, kết nối sản xuất cho bà con nông dân.

Do đó, trong năm tới, TTKNQG sẵn sàng phối hợp với địa phương để bà con có thể tiếp cận được với những mô hình hiệu quả nhất. TTKNQG cũng sẽ tổ chức diễn đàn để giới thiệu, lan tỏa các giải pháp công nghệ mới cho người dân, nhất là người trồng rừng, với phương châm “Nông dân chuyển giao cho nông dân là hay nhất, sự lan tỏa đó sẽ bền vững hơn”.

Về phần các cơ quan cơ sở, người đứng đầu TTKNQG cho rằng, để hoạt động hiệu quả có thể không nâng biên chế, không nâng tổ chức nhưng các cán bộ khuyến nông sẽ được đào tạo để nâng cao chuyên môn, có thể làm được, hiểu được nhiều vấn đề, đặc biệt là có khả năng kết nối các đơn vị có chuyên môn sâu với bà con nông dân.

“Mục tiêu của chúng ta là có được những người nông dân thông minh và nhiệm vụ này chính là của hệ thống khuyến nông”, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh tại buổi làm việc.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng khẳng định, đơn vị sẽ tập trung nguồn lực để phát triển, lan tỏa các mô hình khuyến nông đang triển khai ở tỉnh. Ngoài ra, ông Tùng cũng bày tỏ mong muốn TTKNQG quan tâm, triển khai thêm các mô hình áp dụng công nghệ mới liên quan đến những nông sản lợi thế của tỉnh.

Khả Như (T/H)