Sức khỏe

Hưởng ứng Ngày Sức khỏe tiêu hóa thế giới

Thứ hai, 9/5/2022 | 11:13 GMT+7
Mới đây, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức họp báo về chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe tiêu hóa thế giới (29/5).

Ngày Sức khỏe tiêu hóa thế giới năm nay có chủ đề “Khỏe tiêu hóa – Khỏe hơn mỗi ngày” nhằm nhấn mạnh vai trò đặc biệt của hệ tiêu hóa đối với sức khỏe con người.

Theo thông tin từ Viện Dinh dưỡng quốc gia, ngoài vai trò chính giúp tiêu hóa thức ăn để tạo năng lượng cho cơ thể, hệ thống tiêu hóa còn đóng vai trò rất quan trọng trong hỗ trợ chức năng miễn dịch, bởi 70% hệ miễn dịch biểu mô của cơ thể nằm ở hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, ước tính có đến 40% dân số thế giới bị các vấn đề mạn tính về đường tiêu hóa; 62% dân số đang gặp phải các vấn đề liên quan đến sức khỏe tiêu hóa phổ biến như đau dạ dày, khó tiêu…

Nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa và hệ thống miễn dịch đường ruột để đảm bảo sức khỏe con người

TTND.GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, đường ruột là nơi tập trung của hơn 70% thành phần hệ miễn dịch và cũng chính là địa điểm hệ miễn dịch và vi khuẩn gặp nhau. Có thể nói, một hệ tiêu hóa khỏe mạnh là hệ tiêu hóa được hỗ trợ bởi hệ miễn dịch mạnh, bảo vệ cơ thể trước các tấn công liên tục từ các tác nhân gây bệnh trong thức ăn.

Miễn dịch đường ruột cùng với sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột cũng đang ngày càng được khẳng định là có vai trò quan trọng trong nhiều vấn đề sức khỏe mạn tính như hội chứng ruột co thắt, hội chứng chuyển hóa, béo phì, đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch, ung thư…

Hệ tiêu hóa và hệ thống miễn dịch có mối quan hệ chặt chẽ bởi khi một bên cân bằng và khỏe mạnh thì bên kia cũng vậy. Đường tiêu hóa là điểm xâm nhập tiềm ẩn chính của các mầm bệnh và có thể khiến chúng ta bị bệnh. Do đó việc đảm bảo các mầm bệnh không xâm nhập vào cơ thể sẽ tùy thuộc vào hệ thống miễn dịch của chúng ta.

Bên cạnh đó, đường ruột và hệ thống miễn dịch hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy một cơ thể khỏe mạnh. Khi mọi thứ hoạt động trơn tru, ruột sẽ gửi tín hiệu cho sự phát triển của chức năng miễn dịch khỏe mạnh điều chỉnh các phản ứng miễn dịch. Đổi lại, hệ thống miễn dịch giúp cung cấp các vi sinh vật có lợi cho sức khỏe.

Tại Việt Nam, các vấn đề về sức khỏe hệ tiêu hóa còn chưa được người dân chú trọng đúng mức, cả trong đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như trong phòng chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe.

Đặc biệt, theo GS.TS Lê Danh Tuyên, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em có mối liên quan tới khả năng thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa và hô hấp, dẫn tới số ngày nghỉ học tăng lên, ảnh hưởng tới tăng trưởng và học tập của trẻ. Trên thực tế, các bệnh nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng đường tiêu hóa và tình trạng suy dinh dưỡng có mối liên hệ qua lại.

Nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe tiêu hóa đối với sức khỏe người dân, với mong muốn chung tay xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh, Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe tiêu hóa thế giới 2022 đã chính thức được phát động mới đây.

Chương trình được tổ chức thường niên vào tháng 5, đem đến cho người dân và cộng đồng những thông tin hữu ích, các giải pháp dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, giúp xây dựng thói quen tốt để chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Từ đó nâng cao sức khỏe miễn dịch cũng như sức khỏe tổng thể, giúp cơ thể tối ưu hóa việc phòng tránh bệnh tật.

Khánh An