Sức khỏe

Bộ Y tế cảnh báo phòng bệnh do muỗi truyền và bệnh theo mùa

Thứ tư, 4/5/2022 | 15:36 GMT+7
Trước thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, Bộ Y tế đưa ra cảnh báo các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, hô hấp, bệnh do muỗi truyền có thể bùng phát thành dịch lớn.

Theo Bộ Y tế, vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm tại khu vực miền Bắc và mùa mưa tại khu vực miền Trung, miền Nam, cùng sự giao lưu đi lại của người dân tăng cao trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt... là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, phát triển. 

Trung tâm Phòng chống bệnh tật TPHCM cho biết, tính đến giữa tháng 4, thành phố ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Với số ca mắc sốt xuất huyết nặng gia tăng trong thời gian gần đây, các chuyên gia dự đoán số mắc bệnh có thể nhiều hơn.

PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM đánh giá, cùng với biến đổi khí hậu và dấu hiệu gia tăng số ca mắc bệnh giai đoạn đầu mùa dịch thì dự báo năm 2022, bệnh sốt xuất huyết sẽ rất phức tạp và ngành y tế cần hành động ngay. Mục tiêu là hạn chế số ca chuyển nặng và tử vong cũng như không để xảy ra những ổ dịch lớn.

Ghi nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết trên phạm vi cả nước khi mùa hè sang

Ghi nhận trên cả nước, theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 14.700 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó 6 ca tử vong. Không chỉ sốt xuất huyết, các các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền như bệnh tiêu chảy do virus Rota, tay chân miệng, lỵ, thương hàn, sởi, cúm, viêm não do virus, viêm não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản… cũng có khả năng bùng phát và lây lan diện rộng.

Do đó, để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2022, không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động các ban, ngành, tổ chức, chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh trên địa bàn.

Trong đó, chú trọng tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt. Thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín; thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch; vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm; kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng…

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương phối hợp với ngành giáo dục để tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Các địa phương phải chủ động chuẩn bị đủ kinh phí để đảm bảo nhu cầu về thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở.

Minh Khang (T/H)