Huy động tài chính bảo tồn đa dạng sinh học

Thứ hai, 24/6/2019 | 10:59 GMT+7
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo “Tổng kết Dự án Sáng kiến tài chính đa dạng sinh học (ĐDSH) BIOFIN pha I” và công bố Báo cáo quốc gia lần thứ 6 thực hiện Công ước ĐDSH.

Theo đánh giá của Công ước ĐDSH (CBD), mặc dù ĐDSH mang lại nhiều lợi ích cho con người nhưng nguồn tài chính cho bảo tồn trên toàn cầu hiện đang bị thiếu hụt, gây khó khăn cho việc thực hiện các mục tiêu bảo tồn. Do vậy, nhằm giải quyết những thách thức về tài chính ĐDSH một cách toàn diện, tại cuộc họp COP-11 của CBD (tháng 10/2012), UNDP đã khởi xướng Sáng kiến BIOFIN. Hiện nay, 35 quốc gia trên thê giới đã tham gia BIOFIN, trong đó có Việt Nam.

Dự án BIOFIN ở Việt Nam được thực hiện từ năm 2017, với mục tiêu đánh giá, phân tích hiện trạng kinh phí và nhu cầu tài chính cho công tác bảo tồn ĐDSH để xây dựng, thí điểm kế hoạch huy động các nguồn lực cho ĐDSH. Giai đoạn I có các sản phẩm chính: Báo cáo Rà soát chính sách và thể chế tài chính cho ĐDSH (PIR); Đánh giá chi tiêu ĐDSH (BER) và Đánh giá nhu cầu tài chính ĐDSH (FNA); Kế hoạch tài chính cho ĐDSH (BFP). Bên cạnh đó, 2 hoạt động thí điểm về nâng cấp cơ sở vật chất cho Bảo tàng thiên nhiên tại Vườn quốc gia Cúc Phương và đánh giá các cơ chế tài chính theo hướng áp dụng quản lý ngân sách theo kết quả (RBB) cũng được triển khai, nhằm củng cố các cơ chế tài chính được đề xuất trong Kế hoạch huy động tài chính cho ĐDSH.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Cục phó Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học nhấn mạnh, kết quả nghiên cứu của Dự án cho thấy, mặc dù ngân sách Nhà nước là nguồn tài chính quan trọng nhất cho ĐDSH ở Việt Nam nhưng còn thấp, chưa phù hợp với các đóng góp của ĐDSH và dịch vụ môi trường đối với nền kinh tế. Trong các chính sách phân bổ ngân sách của Chính phủ, chi tiêu cho ĐDSH được ẩn trong các mục tiêu khác và ĐDSH cũng không được xem xét trong chương trình đầu tư của Chính phủ từ nay đến năm 2020. Việc huy động các nguồn tài chính mới là hết sức cần thiết, song trong thời gian tới, ngân sách vẫn là nguồn chủ lực chủ yếu cho công tác bảo tồn ĐDSH.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận về các vấn đề huy động tài chính. Theo đó, cần tập trung vào việc sắp xếp lại các dòng tài chính hiện có, tránh các khoản chi không cần thiết và thực hiện hiệu quả hơn các khoản chi cho ĐDSH để đảm bảo rằng, tất cả nguồn lực được phân bổ sẽ hỗ trợ một cách tổng thể trong việc đạt được mục tiêu bảo tồn ĐDSH của Việt Nam. Ngoài ra, cần tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức phi Chính phủ trong việc bảo tồn. Đồng thời, xem xét các cơ chế tài chính khác như phụ phí cho du lịch, tem cho ĐDSH như một lựa chọn tiềm năng để tạo thêm nguồn tài chính cho công tác bảo tồn.

Tuấn Kiệt