Nông nghiệp sạch

Kết nối chuỗi cung ứng nông sản các tỉnh phía Nam phục vụ dịp lễ tết

Thứ năm, 1/12/2022 | 14:23 GMT+7
Ngày 1/12, diễn đàn “Kết nối tiêu thụ các nông sản chủ lực phía Nam phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023” được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Diễn đàn là một trong nhiều sự kiện do Tổ điều hành diễn đàn Kết nối nông sản 970, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thực hiện năm 2022 nhằm làm sâu sắc hơn tư duy kinh tế nông nghiệp; góp phần giúp người kinh doanh nông sản bớt “mù mờ” về nơi sản xuất; người tiêu dùng hiểu thêm về nguồn gốc xuất xứ, về an toàn vệ sinh thực phẩm; các doanh nghiệp tiêu thụ biết về sản lượng cho đến thời điểm thu hoạch; cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp nắm được thông tin mùa vụ, về nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Diễn đàn cũng nhằm kết nối thông tin cung cầu để thúc đẩy, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của các tỉnh, thành Nam Bộ phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023; nắm bắt thông tin, đặc biệt là thông tin về tình hình sản xuất và nhu cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, lưu thông và tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực phía Nam phục vụ thị trường dịp cuối năm.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết, mỗi địa phương đều có các thế mạnh riêng vì vậy, thông qua diễn đàn mong các địa phương cung cấp những số liệu cụ thể để diễn đàn có thông tin cung cấp đến doanh nghiệp, đối tác, đảm bảo hàng hóa không bị ứ đọng trong các chuỗi lưu thông. Đồng thời, cần tính đến việc đưa sản phẩm có chất lượng ra thị trường không chỉ ở phía Nam mà cả phía Bắc và xuất khẩu, trong đó phải đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm.

Diễn đàn “Kết nối tiêu thụ các nông sản chủ lực phía Nam phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023”

Theo đó, thông tin về khả năng cung ứng nông sản của tỉnh Bình Dương trong dịp lễ cuối năm 2022, đầu năm 2023, ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, tỉnh hiện chỉ có khả năng cung ứng khoảng 20 - 35% sản phẩm rau, củ, quả, trái cây tươi phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng nội tỉnh. Về chăn nuôi, tổng đàn lợn của Bình Dương là khoảng 13,7 triệu con, khả năng cung ứng hàng ngày khoảng 7.000 - 8.000 con, trong đó 1.500 con cung ứng cho thị trường nội tỉnh, còn lại là sản xuất cho TPHCM và các tỉnh lân cận. Mỗi ngày, Bình Dương có thể cung ứng khoảng 70.000 con gà thịt, trong đó 35.000 con cung ứng cho nội tỉnh, còn lại cung ứng cho TPHCM và các tỉnh lân cận.

Để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho dịp Tết, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bình Dương và các đơn vị cung ứng lớn trên địa bàn địa phương xây dựng kế hoạch bình ổn giá với thị trường nội tỉnh. Đối với những thị trường lân cận, nguồn cung thịt lợn và thịt gà còn rất dồi dào và có khả năng kết nối, cung ứng cho nhiều tỉnh, thành khác.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, để đảm bảo nguồn cung và vệ sinh an toàn thực phẩm vào dịp Tết Nguyên đán, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, kiểm tra các mặt hàng thực phẩm, nông sản, nhất là trong dịp cuối năm.

Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu về nhu yếu phẩm trong thời gian này, tỉnh đang chuẩn bị tổ chức phiên chợ Tết Công Đoàn 2023, với 120 gian hàng, trong đó có 40 gian hàng là các sản phẩm OCOP. Tỉnh cũng triển khai nhiều hoạt động bình ổn giá do Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị chức năng và doanh nghiệp.

Đại diện Sở NN&PTNT Cà Mau cũng chia sẻ, về khả năng cung ứng thủy sản, hiện tỉnh có sản lượng thủy sản ước đạt 600.000 tấn, trong đó việc thu hoạch, sản xuất ổn định. Sản phẩm tôm chủ yếu để xuất khẩu, các sản phẩm còn lại đảm bảo tiêu thụ trong tỉnh và cả nước.

Bên cạnh đó, cây lúa là giống cây trồng thế mạnh của tỉnh với diện tích khoảng 37.000ha, tập trung chủ yếu các giống lúa ST24 ST25, chiếm 35%. Dự kiến sản lượng lúa tiêu thụ cuối năm chủ yếu là lúa thơm và lúa chất lượng cao. Tuy nhiên, trong dịp Tết Nguyên đán 2023, dù sản lượng chăn nuôi ở tỉnh sẽ tăng lên 6.200 tấn thịt nhưng chỉ cung ứng được 45% nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, còn lại nhập từ các nơi khác.

Để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Quỹ Mão 2023, UBND thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, doanh nghiệp cân đối nguồn hàng, đảm bảo bình ổn giá dịp cuối năm. Mặt khác, hầu hết các nhà vườn trên địa bàn đã liên kết với các doanh nghiệp, thương lái để bao tiêu sản phẩm trong dịp Tết. Sở Công Thương Cần Thơ cũng phối hợp với các địa phương lân cận để kết nối, xúc tiến thu mua nông sản, thực phẩm thành phố còn thiếu.

Theo ông Phạm Huy Huệ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, Sở NN&PTNT TPHCM, thành phố có 5 sản phẩm chủ lực và 1 sản phẩm tiềm năng. Dịp Tết Nguyên đán, thành phố đáp ứng được khoảng 20% (khoảng 370.000 tấn) nhu cầu tiêu thụ rau củ quả; 8 - 10% (230.000 con heo) nhu cầu thịt heo; khoảng 15% (khoảng 450.000 tấn) nhu cầu thủy sản.

Về thị trường hoa cây cảnh, nhu cầu tiêu thụ được dự báo không tăng mạnh. Nhiều mặt hàng khác như gạo, gia cầm… thành phố cũng sẽ không đáp ứng được nhiều, chủ yếu phụ thuộc vào thị trường cung ứng tại các tỉnh lân cận.

Ông Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch phụ trách miền Nam Hội Chăn nuôi Việt Nam đánh giá, vấn đề cần quan tâm hiện nay là các tỉnh thành, đô thị lớn ở cả hai miền Nam, Bắc có nhu cầu cao về thực phẩm trong dịp Tết vẫn chưa cân đối và mới chỉ tự cung ứng được khoảng 20 - 40% nhu cầu của người tiêu dùng. Vì vậy, để cung ứng được cho nhu cầu lớn, các địa phương vẫn phải vận chuyển nhập hàng hóa từ các tỉnh vệ tinh xung quanh, nhưng luôn phải đặt vấn đề quy định đảm bảo vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu.

Thanh Bảo