Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng ban Chỉ đạo Festival nhấn mạnh, Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế lớn của cả nước. Thành phố nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng trù phú, có lớp trầm tích văn hóa hơn 1.000 năm lịch sử với 1.350 làng nghề, hội tụ các nhóm nghề, bao gồm 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước như: sơn mài, gốm sứ, vàng bạc, mây tre đan, dệt, gỗ, trồng hoa, cây cảnh...
Sự phát triển của nông nghiệp, làng nghề góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong hội nhập, giúp phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trở thành điểm đến đáng nhớ trong bản đồ du lịch Việt Nam; là nơi lưu giữ, bảo tồn, giới thiệu, quảng bá tinh hoa nghệ thuật của các làng nghề Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung...
Ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thêm, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Hà Nội đã xây dựng được hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung; hơn 5.000ha rau an toàn; 50 vùng trồng hoa chất lượng cao, 76 xã chăn nuôi trọng điểm, 60 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn, 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố; khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt 20 - 50 tỷ đồng/năm, khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm. Khối làng nghề đem lại giá trị gia tăng cao, giải quyết việc làm cho khoảng 740.000 lao động...
Lễ khai mạc Festival Sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội 2022
Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, Festival Sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội 2022 là sự kiện lớn chuyên ngành nông nghiệp, làng nghề và phát triển nông thôn của thành phố Hà Nội; tạo cơ hội, cầu nối cho 5 nhà: "Nhà quản lý - Nhà khoa học - Nhà nông - Nhà kinh doanh - Nhà tiêu dùng" của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước gặp gỡ giao thương, quảng bá sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm làng nghề, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giới thiệu mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, góp phần gìn giữ nghề truyền thống và phát triển đặc sản địa phương, tiến tới ký kết hợp đồng, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Với quy mô khoảng 15.000m2, Festival Sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội được chia thành nhiều khu trưng bày chính gồm: khu trưng bày sinh vật cảnh; khu trưng bày sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tiêu biểu, sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội; khu ẩm thực; khu trưng bày sản phẩm đồ gỗ dân dụng và đồ gỗ mỹ nghệ; khu trưng bày sản phẩm gốm sứ, mây, tre, giang đan… khu trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác (đồ đồng, đồ mạ, quà tặng…); khu trưng bày sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp; khu trưng bày máy móc, thiết bị và mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; khu trưng bày sản phẩm nông sản của các quận, huyện, thị xã; khu trưng bày, giới thiệu mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn Hà Nội.
Để kêu gọi đầu tư trong nước và nước ngoài vào Thủ đô, Festival còn giới thiệu các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái góp phần gìn giữ nghề truyền thống và duy trì đặc sản địa phương.
Trong thời gian diễn ra Festival, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết đề án phát triển năng lực phân tích và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp; hội thảo đánh giá kết quả phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng nông, lâm, thủy sản với các tỉnh, thành phố; ký kết hợp tác tiêu thụ nông sản; hội thảo về giải pháp phát triển ngành kinh tế sinh vật cảnh; hội thi sinh vật cảnh và hoạt động trình diễn tay nghề, trình diễn ẩm thực của các nghệ nhân.
Festival Sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ hai năm 2022 diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 14/12 đến ngày 18/12.
Sau khi sự kiện kết thúc, thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành thông qua nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị, mở rộng thị trường; đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp xanh, sinh thái, thông minh, gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn, giáo dục trải nghiệm; chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu...