Văn hóa, du lịch

Khẳng định vị thế của phụ nữ trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội

Thứ năm, 6/10/2022 | 09:43 GMT+7
Mới đây, Tham tán công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã phát biểu tại phiên thảo luận của Ủy ban Các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa, khóa 77 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.

Tại phiên thảo luận, đa phần các phát biểu đều nhận định, tuy đạt được nhiều tiến bộ nhưng việc bảo đảm bình đẳng giới, các quyền của phụ nữ vẫn đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức khi tình trạng bất bình đẳng, bạo lực, phân biệt đối xử và định kiến gia tăng, đặc biệt dưới tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh chiến tranh, xung đột, biến đổi khí hậu và suy thoái kinh tế.

Do đó, các đại biểu tham gia phiên thảo luận kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có những hành động tập thể mạnh mẽ, kịp thời để giải quyết các thách thức này.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Tham tán công sứ Lê Thị Minh Thoa nhấn mạnh, Việt Nam đề cao tầm quan trọng của việc ngăn ngừa và loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái.

Tham tán công sứ Lê Thị Minh Thoa phát biểu tại phiên thảo luận của Ủy ban Các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa Liên Hợp Quốc

Bên cạnh đó, bà chia sẻ nhận định chung về các thách thức đối với phụ nữ, từ đó kêu gọi cộng đồng quốc tế cần xác định vai trò của phụ nữ vừa là mục tiêu, động lực, chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng sự phát triển bền vững và xây dựng một xã hội công bằng.

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được một số kết quả, thành tựu như: có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao trong khu vực; phụ nữ là lực lượng lao động chính và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; các sáng kiến, đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực này ở các cơ chế liên quan của Liên Hợp Quốc cũng được đề cao.

Theo bà Lê Thị Minh Thoa, việc lồng ghép vấn đề giới và trao quyền cho phụ nữ cần bảo đảm được thực hiện trong quá trình hoạch định chính sách và kế hoạch quốc gia, đảm bảo rằng phụ nữ và trẻ em gái được tham gia và thụ hưởng công bằng, đầy đủ trong tiến trình phát triển.

Đại diện Việt Nam cũng cho rằng, bản thân phụ nữ cần tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số để bắt kịp các xu thế phát triển và phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh của mình.

Về tăng cường hợp tác quốc tế, đại diện Việt Nam kêu gọi các tổ chức và đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ các nước thành viên Liên Hợp Quốc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ toàn cầu trong bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái.

Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc khẳng định, bình đẳng giới luôn được coi trọng trong các chính sách quốc gia; việc bảo đảm vai trò, sự tham gia và đóng góp của phụ nữ vào đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước không chỉ là những cam kết mà còn là chuẩn mực ở Việt Nam.

Khả Như (T/H)