Mới đây, tại tọa đàm “Thanh niên khởi nghiệp và nông nghiệp sinh thái” do Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), Quỹ AFV phối hợp với UBND huyện Nho Quan (Ninh Bình) cùng Ban quản lý vườn quốc gia Cúc Phương tổ chức, các đại biểu đã tập trung chia sẻ, tìm giải pháp để khuyến khích thanh niên khởi nghiệp và phát triển nông nghiệp sinh thái.
Tọa đàm “Thanh niên khởi nghiệp và nông nghiệp sinh thái” là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Xanh lên Việt Nam ơi!”. Chương trình được triển khai nhằm thực hiện cam kết của Tổ chức ActionAid và Quỹ AFV trong hỗ trợ hành động của người dân trong cải thiện khả năng phục hồi và thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu, xây dựng cộng đồng an toàn, khuyến khích thanh niên Việt Nam trở thành công dân toàn cầu.
Quang cảnh tọa đàm
Tại tọa đàm, các diễn giả là đại diện cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý, thanh niên cùng thảo luận về tình trạng ô nhiễm môi trường và sự gia tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp; vai trò quan trọng của nông nghiệp sinh thái đối với phát triển bền vững, cùng những thuận lợi, khó khăn và giải pháp khuyến khích thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực này như: hỗ trợ kỹ thuật, dự báo thời tiết, hệ sinh thái, thổ nhưỡng, khả năng vận dụng các mô hình, sự tạo điều kiện về nguồn vốn từ phía gia đình…
Theo Bí thư huyện đoàn Nho Quan Đinh Ngọc Vường, thanh niên hiện đang có điều kiện thuận lợi để khởi nghiệp với nông nghiệp sinh thái. Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, trong đó có Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và chương trình Hỗ trợ thành niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 – 2030.
Chia sẻ trong tọa đàm, Trưởng đại diện Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam Hoàng Phương Thảo cho biết, tổ chức đang làm việc với 11 tỉnh, thành trong cả nước và nhận thấy rất nhiều thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp riêng, tuy nhiên không nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công. Trong đó, những người chọn nông nghiệp để khởi nghiệp còn ít và tỷ lệ thành công càng ít hơn. Do đó, tọa đàm là dịp để các doanh nghiệp, nhà đầu tư cung cấp thông tin mới cho các đối tượng đoàn viên, thanh niên về nông nghiệp sinh thái; đặc điểm của nông nghiệp sinh thái khác với nông nghiệp truyền thống; thuận lợi và khó khăn trong khởi nghiệp nông nghiệp sinh thái; các giải pháp tháo gỡ khó khăn và khuyến khích thanh niên khởi nghiệp…
Bà Hoàng Phương Thảo nhấn mạnh, tọa đàm là một phần của chương trình Hỗ trợ thanh niên Việt Nam trở thành công dân toàn cầu. Thông qua chương trình, đối tượng thanh niên khi trở thành công dân toàn cầu sẽ mạnh dạn hơn khi hiểu biết xã hội, tham gia vào các vấn đề, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề liên quan đến thanh niên. Với chương trình này, ActionAid mong muốn hỗ trợ xây dựng năng lực cho gần 15.000 thanh niên cùng đoàn viên trong cả nước trở thành công dân toàn cầu.
Lâm Bảo (T/H)