Kiểm toán môi trường ngày càng được ưu tiên

Thứ sáu, 20/9/2019 | 14:55 GMT+7
Ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) cho biết, lãnh đạo cơ quan đã và đang rất quan tâm và coi kiểm toán môi trường là một trong các hoạt động ưu tiên của KTNN Việt Nam trong thời gian tới.

Tại hội thảo “Quản lý rác thải, nước thải vì sự phát triển bền vững và vai trò của kiểm toán nhà nước”, do KTNN phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 19/9 tại Hà Nội, ông Đoàn Xuân Tiên cho hay, vừa qua KTNN Việt Nam thực hiện một số cuộc kiểm toán liên quan đến môi trường, tiêu biểu như: Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường; cuộc kiểm toán các vấn đề về nước sông Mê Kông (cuộc kiểm toán song song giữa 5 KTNN thuộc ASEANSAI); các cuộc kiểm toán chuyên đề về quy hoạch đô thị, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản…; các cuộc kiểm toán các dự án xả thải của các nhà máy, khu công nghiệp…

"Nhận thức được tầm quan trọng trong vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, lãnh đạo KTNN đã và đang rất quan tâm và coi kiểm toán môi trường là một trong các hoạt động ưu tiên của KTNN Việt Nam trong thời gian tới. Việc này được thể hiện qua một số hành động cụ thể như: Thành lập Nhóm công tác về kiểm toán môi trường từ năm 2008; cử các thành viên trong nhóm tham gia các cuộc họp Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của INTOSAI và ASOSAI; xác định kiểm toán môi trường vào Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020…", ông Tiên nhấn mạnh.

Kiểm toán môi trường có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững. (Ảnh minh họa)

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, tăng trưởng kinh tế thường đi kèm tăng rác thải, kinh nghiệm của Đức hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn là hết sức thiết thực. Cần xác định, rác thải giờ đây không chỉ đơn thuần là thứ bỏ đi mà phải là đầu vào của ngành sản xuất khác.

“KTNN cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình trong kiểm toán môi trường. Kiểm toán cần thông kê cụ thể số lượng rác thải mỗi ngày, những loại rác thải... từ đó phương án đầu tư công nghệ, hướng tới mục tiêu rác thải về số 0” ông Chinh nói. 

TS. Lê Đức Luận, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán nhà nước Khu vực VII cho biết: Từ thực trạng công tác quản lý rác thải, nước thải có thể cho thấy còn nhiều bất cập và gây ra bức xúc trong cộng đồng. Tuy nhiên, ngoài các yếu tố khách quan có thể thấy nguyên nhân của các vấn đề lại do chính công tác quản lý chưa thực sự hiệu quả.

“Để thực hiện tốt công tác quản lý rác thải, nước thải để có môi trường không khí, đất và nước được sạch sẽ, trong lành, cần nâng cao hiệu quả, trách nhiệm công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Góp phần thực hiện tốt công tác này cần thiết phải có sự tham gia của Kiểm toán nhà nước trong việc đánh giá và tư vấn cho các cấp chính quyền, qua đó xây dựng được cơ chế, chính sách phù hợp và triển khai đồng bộ dựa trên điều kiện riêng của từng địa phương”, TS. Lê Đức Luận khẳng định.

Vũ Nam