Trong nước

Kinh tế tiếp đà tăng trưởng, lực lượng lao động tăng mạnh trong quý cuối năm 2020

Thứ tư, 6/1/2021 | 13:49 GMT+7
Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý IV/2020 chỉ ra rằng, GDP quý IV/2020 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước; GDP năm 2020 tăng 2,91%. Đây là thành công lớn đối với Việt Nam khi vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế – xã hội.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 06/01, số lao động có việc làm trong quý IV/2020 tăng mạnh so với 2 quý trước do tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, kinh tế đang được thúc đẩy khôi phục. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV năm 2020 là 55,1 triệu người, tăng 563,8 nghìn người so với quý trước nhưng do sự giảm sâu của lực lượng này trong quý II nên nhìn chung số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế năm 2020 giảm mạnh so với năm 2019.

Báo cáo cũng nêu rõ, năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp chung ước tính là 2,26% (quý I là 2,02%; quý II là 2,51%, quý III là 2,29, quý IV là 2,16%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,61%; khu vực nông thôn là 1,59%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,51% (quý I/2020 là 2,21%; quý II là 3,08%; quý III là 2,79%; quý IV là 1,89%), trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,68%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,93%.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, nhìn chung tỷ lệ thất nghiệp không chênh lệch nhiều so với các quý trước, trong khi Tổng cục Thống kê ghi nhận mức tăng đáng kể của lực lượng lao động trong quý IV. Sở dĩ có sự bất đồng giữa lực lượng lao động tăng nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ nguyên là do trong lực lượng lao động có bao gồm người không tham gia lao động. Thành phần người không tham gia lao động không được tính là thất nghiệp, họ chủ động không tham gia lao động như tạm nghỉ trong thời kỳ dịch bệnh và sẽ quay lại làm việc khi đã ổn định.

Họp báo Tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2020

Năm 2020 cũng là năm thiên tai xảy ra liên tiếp và có diễn biến phức tạp với 14 cơn bão; 265 trận dông, lốc, mưa lớn; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất và hạn hán, xâm nhập mặn làm 379 người chết và mất tích, 1.060 người bị thương; 4,3 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 594,9 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng; gần 269 nghìn ha lúa và 134,9 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 38,6 nghìn con gia súc và 4,1 triệu con gia cầm bị chết; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 39,1 nghìn tỷ đồng, trong đó thiệt hại do bão, lũ là 32,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 82,8% tổng giá trị thiệt hại).

Năm 2020, cũng đã phát hiện 14.332 vụ vi phạm môi trường trên địa bàn cả nước, trong đó xử lý 12.820 vụ với tổng số tiền phạt hơn 176,8 tỷ đồng; trên địa bàn cả nước xảy ra 2.853 vụ cháy, nổ, làm 103 người chết và 173 người bị thương, thiệt hại ước tính 614,2 tỷ đồng.

Trước những khó khăn, tác động tiêu cực của tình hình dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai… Chính phủ Việt Nam vẫn thành công trong “mục tiêu kép” là vừa kiểm soát tốt dịch bệnh vừa phát triển kinh tế xã hội.

Theo đó, sản xuất công nghiệp trong quý IV/2020 có sự khởi sắc với tốc độ tăng giá trị đạt thêm 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2020, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 3,36% so với năm 2019, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm 2020

Cụ thể, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 ước tính tăng 3,36% so với năm trước (quý I tăng 5,1%; quý II tăng 1,1%; quý III tăng 2,34%; quý IV tăng 4,8%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,82%, đóng góp 1,25 điểm % vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,92%, đóng góp 0,19 điểm %; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,51%, đóng góp 0,04 điểm %; ngành khai khoáng giảm 5,62% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm 12,6% và khí đốt tự nhiên giảm 11,5%), làm giảm 0,36 điểm % trong mức tăng chung.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2020 giảm 2,3% so với tháng trước và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2020, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,3% so với năm trước. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/12/2020 tăng 25,3% so với cùng thời điểm năm trước; tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2020 ở mức khá cao với 71,9% (năm 2019 là 68,8%).

Trước những thách thức và thành công đó, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đề xuất, cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ những doanh nghiệp, tổ chức bị thiệt hại nặng nề hay gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh hoặc thiên tai; đồng thời nên hướng đến cả những doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng đến nền kinh tế, có tính dẫn dắt, để nhanh chóng phục hồi và phát triển nền kinh tế, nâng cao lực lượng lao động và giảm thất nghiệp.

Thanh Tâm