Nông nghiệp sạch

Lai Châu tạo điều kiện nâng cao sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững

Thứ ba, 2/11/2021 | 12:10 GMT+7
Ngày 1/11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến làm việc với UBND tỉnh Lai Châu về phát triển nông nghiệp tỉnh.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Lai Châu cần phải tập trung vào 3 trục: quốc gia - vùng – OCOP. Không thể tự phát, manh mún nữa mà phải theo quy mô, tỷ suất hàng hóa và sản xuất theo chuỗi.

Theo Thứ trưởng, Lai Châu là một tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp là hơn 526.000ha, chiếm 58% diện tích tự nhiên của tỉnh. Diện tích bình quân đất đai đầu người là 2,2ha, gấp 6 lần bình quân cả nước. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp năm 2020 đạt 5,58% - thuộc Top đầu cả nước. Tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP như gạo tẻ râu Phong Thổ, gạo séng cù Than Uyên, gạo khấu kỳ Tân Uyên và gạo nếp tan Co Giàng Tân Uyên.

Không chỉ rộng về đất đai, Lai Châu còn có tiềm năng lớn về hệ thống sông, suối, cũng như mặt hồ thủy điện. Tổng diện tích mặt hồ của tỉnh là hơn 16.600ha, trong đó khoảng 5.000 - 6.000ha thích hợp nuôi cá lồng với các loại cá nước ngọt. 

Tỉnh Lai Châu có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên trong phát triển ngành nông nghiệp

Lai Châu cũng được thiên nhiên ưu ái về khí hậu. Tỉnh có 3 đới khí hậu rõ rệt, là đới khí hậu nóng, ẩm dưới 600m thích hợp cây nhiệt đới; đới khí hậu mát, ẩm có độ cao từ 600 - 1.000m thích hợp cây á nhiệt đới; đới khí hậu ôn đới cao trên 1.000m thích hợp cây ôn đới và nhiều dược liệu quý hiếm như sâm Lai Châu, đỗ trọng, đương quy, tam thất...

Ghi nhận những nhận xét, đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng cam kết: Lai Châu sẽ tập trung nguồn lực vào việc phát triển đa dạng các mô hình nông nghiệp như: nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn... Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển các loại cây lâm nghiệp đa mục đích, trong đó phấn đấu mở rộng diện tích đất trồng cây mắc ca lên 118.000ha, quế 15.000ha. Ngoài ra, tỉnh sẽ duy trì diện tích vùng chè chất lượng cao, an toàn, với diện tích ước tính khoảng 10.000ha, đồng thời chú trọng phát triển chế biến nông sản theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Trong chăn nuôi, tỉnh hướng đến chuyển dần phương thức sản xuất, từ nông hộ, thả rông sang hướng kiểm soát bao trùm thống nhất. Tỉnh cũng đang xúc tiến một số đề án phát triển chuồng trại chăn nuôi, đồng thời tổ chức các phương án thu gom chất thải chăn nuôi, cải tạo đàn, cung cấp giống chất lượng. 

Ông Trần Tiến Dũng khẳng định, tỉnh sẽ tạo mọi cơ hội cho doanh nghiệp để tổ chức chăn nuôi quy mô lớn, phát triển đa dạng các loại gia súc như bò thịt, bò sữa, lợn thịt. Bên cạnh đó, tỉnh đang kế hoạch xây dựng nhà máy phân bón hữu cơ gắn với chăn nuôi, nhằm cung cấp cho nhu cầu trồng trọt bền vững, chất lượng trên địa bàn.

Mặt khác, với thế mạnh sản xuất chè xanh có sản lượng chè búp tươi đạt 44.000 tấn, sản lượng chè khô đạt khoảng 10.000 tấn/năm, Lai Châu đã hợp tác và xuất khẩu sang nhiều thị trường như Trung Đông, Nam Á, Đài Loan. Để tiếp tục phát huy thành quả này, tỉnh sẽ nâng cao các tuyến đường kết nối, hạ tầng giao thông để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với hộ sản xuất, trước mắt là tuyến giao thông kết nối với đồng bằng sông Hồng, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Thanh Bảo (T/H)