Năng lượng phát triển

Lâm Đồng khai thác tiềm năng phát triển mạng lưới cấp điện

Thứ ba, 25/6/2024 | 13:45 GMT+7
Một trong những mục tiêu tổng quát phát triển đến năm 2030 là Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước, trong đó có phương án phát triển mạng lưới cấp điện. Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố (Quyết định 1727).

Từ phương án phát triển chung

Về phương án phát triển mạng lưới cấp điện, Quyết định 1727 nêu: “Đầu tư các dự án nguồn điện cấp quốc gia, lưới điện 500kV, 220kV theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2023. Phát triển lưới điện truyền tải và phân phối gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từng bước thực hiện đầu tư và cải tạo lưới điện theo quy hoạch”.

Nghiên cứu phát triển nguồn điện trên địa bàn tỉnh tại các vị trí có tiềm năng. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng trong tỉnh phục vụ sản xuất điện. Xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải, phân phối đồng bộ để vận hành hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực, bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng, giảm tổn thất điện năng trong khâu phân phối. Thực hiện cung cấp điện từ lưới điện quốc gia, kết hợp với cung cấp điện từ năng lượng tái tạo.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định 1727 cho lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng 

Đến các dự án

Các dự án phát triển nguồn điện trong danh mục phát triển điện lực quốc gia, Quyết định 1727 phê duyệt: Thực hiện theo Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với các dự án phát triển nguồn điện đề xuất, bao gồm: Khu vực các nguồn điện hiện hữu có 36 công trình, tất cả đang vận hành. Trong đó, thủy điện 35 nhà máy và nhiệt điện 01 nhà máy. Những nhà máy có quy mô, công suất hiện trạng lớn nhất là Thủy điện Đồng Nai 4 với 340 MW, Thủy điện Đại Ninh 300 MW, Thủy điện Đa Nhim 240 MW, Thủy điện Đồng Nai 3 với 180MW, Thủy điện Đồng Nai 5 với 150MW.

Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 (cùng Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 4) thuộc Công ty Thủy điện Đồng Nai có tổng sản lượng điện trung bình dao động khoảng 1,7 tỷ Kwh/năm cung cấp lên lưới điện quốc gia

Khu vực các nguồn điện tiềm năng, trong đó quy hoạch đã được Bộ Công thương phê duyệt, gồm 10 thủy điện với tổng quy mô, công suất dự kiến đến năm 2030 là 162.2 MW. Đối với nguồn điện tiềm năng, gồm 17 khu vực thủy điện với tổng quy mô, công suất dự kiến đến năm 2030 là 300 MW. Đối với thủy điện tích năng, có 6 khu vực với tổng quy mô, công suất tiềm năng là 5.900 MW.    

Về điện gió, toàn tỉnh Lâm Đồng có 18 khu vực, trong đó 10 khu vực có tổng quy mô, công suất dự kiến đến năm 2030 là 665.4 MW; 8 khu vực khác có tổng công suất tiềm năng 714 MW. Đối với điện mặt trời, có 11 khu vực với tổng công suất tiềm năng 664.5 MW. Đối với điện rác, trên địa bàn tỉnh có 02 nhà máy dự kiến đến năm 2030 có tổng công suất là 15 MW.  

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng trao quyết định đầu tư cho các tập đoàn đầu tư vào tỉnh 

Tại Quyết định 1727 cũng nêu, số lượng, quy mô, vị trí dự án sẽ được cụ thể hóa ở Đề án phát triển năng lượng và chủ trương đầu tư của từng dự án. Dự kiến dự án nguồn điện tiềm năng, phù hợp với quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án phát triển nguồn điện, lưới điện, tiêu chí, luận chứng tại Quy hoạch điện VIII. Việc triển khai các dự án này chỉ được thực hiện khi bảo đảm 3 yêu cầu: Phù hợp với Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Phù hợp với các điều kiện, tiêu chí, luận chứng theo Quy hoạch điện VIII và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật có liên quan; Phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ thống, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, giá thành điện năng và chi phí truyền tải hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện; bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Và trạm biến áp, hệ thống đường dây đồng bộ

Về trạm biến áp (TBA), đối với trạm 500kV và 220kV, thực hiện theo Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với trạm 110kV, trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục duy trì 05 trạm hiện hữu; xây dựng mới 13 trạm và cải tạo, nâng cấp công suất của 06 trạm.

Điện gió đang được đầu tư xây trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng 

Về đường dây, đường dây 500kV, 220kV: Thực hiện theo Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đường dây 110kV, toàn tỉnh Lâm Đồng có 46 hệ thống đường dây, trong đó bao gồm duy trì  04 đường dây, cải tạo nâng cấp 16 đường dây và xây dựng mới 26 đường dây. Chiều dài đường dây 110kV được tính trên địa phận tỉnh Lâm Đồng. Mặt khác, hướng tuyến, chiều dài đường dây truyền tải và phân phối điện; địa điểm, quy mô công suất các công trình nhà máy điện, trạm biến áp xác định cụ thể khi lập các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án theo quy định.

Quyết định 1727 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt về tổng hợp khối lượng dự kiến xây dựng mới và cải tạo lưới trung, hạ thế giai đoạn đến năm 2030. Bao gồm các hạng mục về lưới trung áp, lưới hạ áp (xây dựng mới, cải tạo…). Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.

 

Minh Đạo