Cụ thể, trong thông điệp nhân Ngày Môi trường thế giới năm 2024, Tổng Thư ký António Guterres nhận định, ô nhiễm, biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học đang biến những vùng đất khỏe mạnh thành sa mạc, rừng và đồng cỏ bị tàn phá, hủy hoại hệ sinh thái, nông nghiệp và cộng đồng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mùa màng thất bát, nguồn nước dần cạn kiệt, nền kinh tế suy yếu và các cộng đồng gặp nguy hiểm, trong đó những người nghèo là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất.
Vì vậy, ông António Guterres kêu gọi các quốc gia cần thực hiện tất cả cam kết để khôi phục hệ sinh thái và đất đai bị suy thoái, cũng như trên toàn bộ Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal; cần có kế hoạch hành động về khí hậu quốc gia mới để ngăn chặn, đẩy lùi nạn phá rừng vào năm 2030. Bên cạnh đó, cần tăng quy mô tài chính một cách mạnh mẽ để hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng với thời tiết khắc nghiệt, bảo vệ thiên nhiên và phát triển bền vững.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/6/5/phuc-hoi-moi-tuong-20240605105143836.jpg)
Các quốc gia cần nhanh chóng thực hiện cam kết khôi phục hệ sinh thái và đất đai bị suy thoái
Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, hành động nhanh chóng và hiệu quả sẽ mang lại ý nghĩa lớn về mặt kinh tế. Mỗi USD được đầu tư vào việc phục hồi hệ sinh thái sẽ mang lại lợi ích kinh tế lên tới 30USD… Do đó, các bên hãy cùng nhau xây dựng một tương lai bền vững cho đất đai và cho nhân loại.
Ngày Môi trường thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 5/6, là sự kiện quốc tế lớn nhất tập trung vào môi trường, do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) điều phối. Trong sự kiện này, hàng triệu người từ các chính phủ, doanh nghiệp, xã hội dân sự và các tổ chức giáo dục cùng tham gia thảo luận, đề xuất giải pháp để nâng cao nhận thức, hành động về các vấn đề môi trường, góp phần bảo vệ tương lai của hành tinh.
Với chủ đề "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa", Ngày Môi trường thế giới năm nay là lời kêu gọi tập hợp để bảo vệ, hồi sinh các hệ sinh thái, nhất là phục hồi tài nguyên đất.
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD), có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới, đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu. Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000; nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.
Phục hồi đất là một trụ cột chính trong Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc (2021 - 2030), đóng vai trò quan trọng để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. Đây là lý do để Ngày Môi trường thế giới năm 2024 tập trung vào việc phục hồi đất đai, ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa và xây dựng khả năng chống chịu hạn hán. Nhiệm vụ của mỗi cá nhân hiện nay là bảo vệ môi trường, khôi phục đất đai cũng như thiên nhiên về trạng thái tự nhiên.