Sản phẩm, công nghệ

Máy biến áp nguồn 3 pha 500kV-467MVA “made in Vietnam” đang vận hành ổn định

Thứ năm, 9/12/2021 | 09:30 GMT+7
Sau hơn 10 tháng đưa vào sử dụng, máy biến áp nguồn 3 pha 500kV-467MVA đầu tiên do cán bộ, kỹ sư Việt Nam chế tạo đang vận hành ổn định tại Nhà máy thủy điện Sơn La.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chế tạo, lắp đặt, vận hành máy biến áp 3 pha 500kV- 467MVA dự phòng cho Nhà máy thủy điện Lai Châu và Sơn La tại Hà Nội.

Theo ông Bùi Phương Nam, Giám đốc Ban quản lý dự án điện 1, dự án Nhà máy thủy điện Sơn La và dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu là hai dự án thủy điện lớn nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong khoảng gần 20 năm trở lại đây, do các kỹ sư, công nhân Việt Nam trực tiếp thiết kế, thi công và vận hành. Tính đến hết tháng 11/2021, cả 2 nhà máy đã đóng góp 112 tỷ kWh cho hệ thống điện.

Trước yêu cầu về đảm bảo an ninh năng lượng, Bộ Công Thương và EVN nhận thấy sự cần thiết đầu tư 1 máy biến áp nguồn dự phòng cho cả 2 nhà máy thủy điện. Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN thực hiện cơ chế chỉ định thầu đối với gói thầu mua sắm máy biến áp dự phòng cho Nhà máy thủy điện Sơn La – Lai Châu.

Dòng máy biến áp nguồn 3 pha điện áp siêu cao áp công suất lớn trên thực tế rất ít nước trên thế giới có công nghệ chế tạo. Tại Việt Nam, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh - Công ty CP (EEMC) là đơn vị đã từng sản xuất máy biến áp 500kV nhưng là máy biến áp 1 pha và là dòng máy biến áp truyền tải. Tuy nhiên, EVN đã lựa chọn EEMC là nhà thầu cung cấp, lắp đặt MBA dự phòng này. Sau hơn 3 năm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, EEMC đã thành công trong việc lần đầu tiên sản xuất máy biến áp nguồn 3 pha 500kV, công suất 467MVA.

Máy biến áp 3 pha 500kV- 467MVA dự phòng cho Nhà máy thủy điện Lai Châu và Sơn La lắp đặt tại Nhà máy thủy điện Sơn La

Tại hội nghị, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành đánh giá, việc thiết kế, chế tạo, lắp đặt thành công MBA nguồn 3 pha 500kV-467MVA đầu tiên tại Việt Nam đã giúp tiết kiệm chi phí mua thiết bị nước ngoài, làm tăng hiệu quả đầu tư các dự án và tạo cơ sở vững chắc đối với sự vận hành an toàn, ổn định của 2 Nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu. Bên cạnh đó, đây cũng là mốc đánh dấu sự trưởng thành của ngành chế tạo thiết bị điện trong nước và thêm một lần nữa khẳng định chủ trương đúng đắn của Chính phủ, các Bộ, ngành và EVN trong việc tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm cơ - điện do Việt Nam tự sản xuất.

Trong quá trình vận chuyển, lắp đặt, thí nghiệm máy biến áp từ tháng 8/2020 đến nay, EVN đánh giá cao Ban quản lý dự án điện 1 cùng các đơn vị đã chủ động, khẩn trương thực hiện nhiệm vụ theo trách nhiệm và phối hợp tốt với EEMC để thực hiện các công việc an toàn, chính xác, tuân thủ các quy định của EVN và tiêu chuẩn, quy phạm hiện hành, đảm bảo điều kiện đóng điện vận hành MBA đúng tiến độ dự kiến.

Ông Dương Quang Thành yêu cầu Công ty Thủy điện Sơn La tổ chức vận hành an toàn, ổn định máy biến áp, nâng cao độ tin cậy, khả dụng của Nhà máy thủy điện Sơn La. EVN cũng yêu cầu Tổng công ty thiết bị điện Đông Anh tiếp tục phát huy năng lực và kinh nghiệm sẵn có, tận dụng tốt nguồn lực đã được Chính phủ hỗ trợ để có thể sản xuất tất cả các gam máy biến áp đang vận hành trên lưới điện truyền tải quốc gia, đóng góp lớn hơn nữa cho sự phát triển của ngành điện.

Việc EEMC chế tạo thành công máy biến áp nguồn 500kV-467MVA đầu tiên tại Việt Nam bước tiến quan trọng để doanh nghiệp này tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và đặt quyết tâm thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp 500kV-900MVA. Hiện EEMC đã được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp nhà nước thiết kế chế tạo máy biến áp 500kV-900 MVA. Đây là dòng sản phẩm có ý nghĩa quyết định tới việc truyền tải điện an toàn liên tục trên hệ thống điện 500kV Bắc – Nam.

Đình Tú