Nông nghiệp sạch

Nâng cao năng lực xuất khẩu rau quả Việt Nam

Thứ sáu, 11/4/2025 | 11:38 GMT+7
Mục tiêu phát triển bền vững ngành hàng rau quả của Việt Nam là hướng đến xuất khẩu 8 tỷ USD trong năm 2025.

“Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu Rau quả Việt Nam” là chủ đề Hội thảo diễn ra sáng ngày 11/4 tại thành phố Đà Lạt. Hội thảo thuộc khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực và chia sẻ kinh nghiệm các mô hình đối tác công tư (PPP) phát triển nông nghiệp bền vững” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Đối tác Phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV) thực hiện; tham dự là các cơ quan quản lý, chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp trong nước, quốc tế và nông dân...

Toàn cảnh Hội thảo 

Tiềm năng lớn của rau quả Việt Nam

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Việt Nam đã sản xuất hơn 120 loại rau có nguồn gốc nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới. Trong giai đoạn 2016-2024, diện tích trồng rau tăng trưởng trung bình 1,4%/năm, sản lượng tăng 2,6%/năm. Đến năm 2024, tổng diện tích trồng rau cả nước đạt hơn 1 triệu ha, với sản lượng trên 19 triệu tấn. Diện tích cây ăn quả của Việt Nam năm 2023 đạt 1,33 triệu ha, tăng trưởng hàng năm kép đạt 5,7%/năm trong giai đoạn 2019-2023.

Chất lượng nông sản luôn là yếu tố quyết định trong xuất khẩu 

Trong lĩnh vực thương mại, rau quả là một trong ba nhóm ngành hàng nông sản xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt mức kỷ lục 7,12 tỷ USD, tăng 27,1% so với năm 2023, tăng trung bình 20,1%/năm từ năm 2011 đến nay. Xuất khẩu rau quả của Việt Nam đến nay vẫn đang chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 1,9% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu); năm 2023, Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu rau quả. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 12,8%/năm trong giai đoạn 2019-2023. Việt Nam đã có trên 40 chỉ dẫn địa lý các sản phẩm rau quả được bảo hộ, giúp tăng giá trị của sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, bảo tồn môi trường, di sản văn hóa và phát triển cộng đồng địa phương. Rau quả của Việt Nam đã được xuất khẩu tới trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cần khắc phục những tồn tại, hạn chế  

Dù đã có mặt tại trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, rau quả Việt Nam đang đối mặt với những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe từ các thị trường nhập khẩu. Đặc biệt là về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và yêu cầu về tiêu chuẩn lao động, môi trường. Các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản... đang ngày càng siết chặt các quy định, điển hình như việc Trung Quốc tăng cường kiểm tra chất lượng sầu riêng, EU tăng tần suất kiểm tra rau quả tại biên giới lên 20%. Trong khi đó, năng lực tuân thủ tiêu chuẩn và tổ chức sản xuất theo chuỗi của ta vẫn còn nhiều hạn chế: quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu mô hình liên kết bền vững giữa nông dân – doanh nghiệp – nhà quản lý – hiệp hội ngành hàng.

Những hạn chế, tồn tại của nông sản xuất khẩu được đại biểu nêu lên 

Theo ông Lê Vũ Ngọc Kiên - Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, những hạn chế trong xuất khẩu rau quả Việt Nam là: Tỷ trọng sản phẩm qua chế biến thấp, chỉ chiếm 19%, còn rau tươi chiếm 5,4% và quả tươi chiếm 75,6%. Mặt tồn tại khác đó là chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Đó còn là hạn chế trong liên kết sản xuất, tiếp cận chính sách hỗ trợ còn khó khăn. Hệ thống phân phối hàng nông sản và xúc tiến thương mại cũng là một hạn chế không nhỏ.

Vùng trái cây ở huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng 

Khai mạc Hội thảo, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Lê Quốc Thanh cho rằng: “Để ngành rau quả Việt Nam thực sự “vươn ra biển lớn”, cần một bước chuyển căn cơ, toàn diện với sự vào cuộc mạnh mẽ của của cả khối công và khối tư. Trước hết, cần thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, với sự tham gia trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và cơ quan quản lý. Tiếp đó, tăng cường kiểm soát chất lượng từ vùng trồng đến đóng gói, chế biến, và triển khai các chương trình giám sát dư lượng hóa chất nông nghiệp tại các vùng trọng điểm như Tiền Giang, Long An, Đắk Lắk, Lâm Đồng. Đồng thời, hỗ trợ nông dân chuyển đổi canh tác theo hướng hữu cơ, sinh học, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường. Các sáng kiến hợp tác công – tư chính là nền tảng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chia sẻ nguồn lực và kiến thức, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường bền vững cho rau quả Việt Nam”.

Đồng bộ theo chuỗi để “ra biển lớn”

Ông Lê Vũ Ngọc Kiên đề xuất một số giải pháp về sản xuất đó là phát triển vùng nguyên liệu; tăng cường khoa học công nghệ; đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch; tăng cường chế biến sâu. Về giải pháp định hướng thị trường, Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; Nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng của các thị trường xuất khẩu; Nghiên cứu, thiết kế bao bì phù hợp với từng thị trường; Tham gia hội chợ quốc tế. Đó còn là giải pháp về bảo quản, logisitics bao gồm Công nghệ bảo quản hiện đại; Áp dụng các giải pháp logistics hiện đại cho vận chuyển.

Từ hướng nhìn khác, bà Hoàng Mai Vân Anh-Điều phối viên chương trình, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) có những đề xuất, kiến nghị. Bao gồm: Tăng cường Hệ thống Cơ sở hạ tầng chất lượng quốc gia; Nâng cao tính tuân thủ, khả năng cạnh tranh và tính bền vững của ngành;  Thúc đẩy môi trường chính sách thuận lợi và văn hóa cho chất lượng. Bà Vân Anh cũng chia sẻ những số liệu về xuất khẩu rau quả Việt Nam cụ thể các quốc gia trong các năm từ 2018-2024. Theo đó là thông tin về tổng số trường hợp bị từ chối nhập khẩu (ARR) – Rau quả ở các thị trường từ các năm 2010 đến 2022: Úc, Trung Quốc, EU-28, Nhật Bản, Hoa Kỳ.

Các diễn giả tọa đàm chia sẻ những đề xuất và kinh nghiệm xuất khẩu ngành hàng rau quả 

Bàn sâu về công nghệ áp dụng trong ngành rau quả ở Việt Nam, Tiến sĩ Lê Như Thịnh-Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết bao gồm: Công nghệ nhân giống và nuôi cấy mô thực vật Invitro; Kỹ thuật sinh học phân tử; Kỹ thuật di truyền; Công nghệ sản xuất rau trong nhà kính; Công nghệ tưới nhỏ giọt cho rau, quả. Xu hướng phát triển công nghệ bảo quản rau quả tươi, theo TS. Thịnh, bao gồm: Sơ chế xử lý tiền bảo quản; công nghệ bảo quản; kích thích quá trình chín. Công nghệ ứng dụng trong chế biến rau, quả dạng khô (sấy/chiên), bao gồm: công nghệ sấy bơm nhiệt; công nghệ sấy thăng hoa; công nghệ và thiết bị chiên chân không liên tục. Đó còn là công nghệ chế biến rau, quả lạnh đông; công nghệ ứng dụng trong chế biến nước ép/puree trái cây.

Minh Đạo
: xuatkhaurq