Nâng cao nhận thức, vai trò của phụ nữ trong ngăn ngừa ô nhiễm rác thải nhựa biển

Thứ sáu, 27/10/2023 | 16:16 GMT+7
Vừa qua, Trung tâm nghiên cứu Luật biển và hàng hải quốc tế (SIMLAW) phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ tại khu vực phi chính thức ở các khu đô thị trung tâm trong việc ngăn ngừa ô nhiễm rác thải nhựa biển.

Theo báo cáo tại buổi tập huấn, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế, có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại được tái chế. Trong khi đó, 90% người thu gom và nhặt phế liệu là phụ nữ. Đây là ngành nghề tiếp xúc với môi trường độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Hơn nữa, số liệu thống kê cho thấy, phụ nữ tiếp xúc với môi trường nhiều hơn nam giới, trong khi bản chất sinh học nhạy cảm hơn nam giới. Do đó, phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng của môi trường nhiều hơn, đặc biệt khi môi trường bị ô nhiễm, suy thoái.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, phụ nữ là nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Họ là người sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan đến rác thải, nước sinh hoạt, vệ sinh và chăm sóc cho gia đình; đồng thời là đối tượng đảm nhận vai trò giữ gìn, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tập huấn nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ trong việc ngăn ngừa ô nhiễm rác thải nhựa biển

Tại chương trình tập huấn, các đại biểu tham gia được giới thiệu và tìm hiểu sâu hơn về: chính sách giảm thiểu ô nhiễm nhựa trong môi trường biển Việt Nam; chính sách quản lý chất thải nhựa, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu cũng như kinh nghiệm thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nhằm phòng chống, giảm thiểu và xóa bỏ ô nhiễm biển từ rác thải nhựa trên thế giới.

Theo ông Lưu Đức Anh, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay, chính sách giảm thiểu ô nhiễm nhựa trong môi trường biển Việt Nam được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Trong đó, Quyết định số 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng đến mục tiêu đến năm 2025 giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. Đến năm 2030, phấn đấu giảm thiểu 75% rác thải trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; 100% khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

Chia sẻ về chính sách quản lý chất thải nhựa, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường, theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải gồm: thu gom, tiền xử lý, tái sử dụng, thu hồi hoặc thải bỏ. Nói cách khác, EPR cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm mà phải mở rộng đến quản lý chất thải sau tiêu dùng.

Nếu thực hiện tốt, EPR là một giải pháp hiệu quả giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay và đặt nền móng cho nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ chương trình làm việc, các đại biểu tham dự cũng chia sẻ về vai trò của phụ nữ trong khu vực phi chính thức và chính sách, pháp luật liên quan đến xử lý rác thải của Việt Nam; vấn đề lồng ghép giới trong phòng chống, giảm thiểu và xóa bỏ ô nhiễm biển từ rác thải nhựa; góc nhìn của doanh nghiệp về thực trạng, vướng mắc khi thi hành quy định pháp luật về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất liên quan đến vòng đời của sản phẩm nhựa…

Kim Bảo (T/H)