Sức khỏe

Ngành y tế ban hành kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024

Thứ ba, 11/6/2024 | 15:33 GMT+7
Bộ Y tế vừa có Quyết định số 1596/QĐ-BYT ban hành kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024.

Chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta hiện đang triển khai tiêm chủng vaccine đề phòng 10 bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm, góp phần quan trọng trong việc thanh toán, loại trừ và giảm mạnh các trường hợp bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Để góp phần đạt được Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ số 4 là giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, Việt Nam cần tiếp tục duy trì những thành quả và tăng cường hơn nữa chất lượng, hiệu quả của Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cho trẻ em là 90% và bổ sung thêm vaccine phòng 2 bệnh truyền nhiễm; đến năm 2030 bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đạt 95% và bổ sung tiếp vaccine phòng 2 bệnh truyền nhiễm. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP về lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng giai doạn 2022 - 2030, trong đó phê duyệt bổ sung 4 loại vaccine trong tiêm chủng mở rộng đến năm 2030.

Triển khai tiêm chủng vaccine đề phòng nhiều bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm

Theo ước tính, nhu cầu vaccine năm 2024 trên cơ sở đăng ký nhu cầu của 63 tỉnh/thành phố (bao gồm số vaccine để tiêm bù mũi cho nhữmg đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023 chưa được tiêm chủng đủ mũi, đối tượng của năm 2024 và dự trữ trong 6 tháng năm 2025 theo quy định về hoạt động tiêm chủng), số vaccine đã mua/được viện trợ, chi tiêu tiêm chủng và hệ số sử dụng vaccine với tổng số 24.318.396 liều, bao gồm 11 loại vaccine (viêm gan B sơ sinh, lao, bại liệt uống, sởi, sởi - rubella, viêm não Nhật Bản, bạch hầu - ho gà - uốn ván, uốn ván - bạch hầu giảm liều, uốn ván, rota và DPT-VGB-Hib; riêng vaccine bại liệt tiêm tiếp nhận viện trợ từ GAVI với số lượng dự kiến khoảng 2.694.000 liều).

Bộ Y tế yêu cầu, trong năm 2024, Sở Y tế các tỉnh/thành phố tổ chức tiêm chủng các loại vaccine trong tiêm chủng mở rộng đạt chỉ tiêu, an toàn, hiệu quả; tổ chức tiêm vaccine viêm gan B sơ sinh tại các bệnh viện, trạm y tế; tổ chức tiêm chủng cho trẻ có bệnh nền, trẻ cần khám sàng lọc tại bệnh viện; tổ chức tiêm chủng thường xuyên ít nhất 2 lần/tháng, thực hiện tiêm vét ngay trong tháng; triển khai tiêm vét, tiêm bù mũi các vaccine cho đối tượng chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có nhiệm vụ phối hợp với đơn vị liên quan hướng dẫn các tỉnh, thành phố về giám sát các bệnh có vaccine trong tiêm chủng mở rộng; theo dõi, giám sát tiến độ thực hiện, tổng hợp dữ liệu, báo cáo thường kỳ và đột xuất để đánh giá hiệu quả triển khai vaccine, từ đó đề xuất kế hoạch tiêm bổ sung, tiêm vét, biện pháp phòng chống, thanh toán, loại trừ bệnh. Duy trì hoạt động xét nghiệm đối với các bệnh có vaccine trong tiêm chủng mở rộng tại các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur. Hướng dẫn địa phương triển khai kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh. Triển khai giám sát điểm tiêu chảy do virus rota, hội chứng rubella bẩm sinh, viêm màng não.

Ở cấp địa phương, cần duy trì giám sát bệnh có vaccine trong tiêm chủng mở rộng; điều tra ca bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm theo quy định đối với trường hợp liệt mềm cấp, nghi sởi, rubella, chết sơ sinh, nghi uốn ván sơ sinh tại các cơ sở y tế và cộng đồng đạt chỉ tiêu đề ra; lồng ghép giám sát phát hiện các bệnh trong tiêm chủng mở rộng.

Thanh Tâm