Nghiên cứu - Trao đổi

Nghiên cứu mô hình kết hợp điện gió ngoài khơi sản xuất hydro

Thứ năm, 29/7/2021 | 11:31 GMT+7
Dự kiến đề tài “Nghiên cứu mô hình kết hợp điện gió ngoài khơi sản xuất hydro bằng phương pháp điện phân trong điều kiện Việt Nam – Tính toán dự án điển hình quy mô công suất 150MW” sẽ được Công ty CP tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2) hoàn thành vào tháng 2/2022.

Mới đây, Hội đồng khoa học và công nghệ (KH&CN) PECC2 đã tổ chức cuộc họp trực tuyến để nghe báo cáo về tiến trình và kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu tận dụng nhiệt lạnh từ quá trình tái hóa khí LNG” đồng thời xét chọn đề tài “Nghiên cứu mô hình kết hợp điện gió ngoài khơi sản xuất hydro bằng phương pháp điện phân trong điều kiện Việt Nam – Tính toán dự án điển hình quy mô công suất 150MW”.

Sản xuất hydro từ năng lượng điện tái tạo có tiềm năng thay đổi cách vận hành hệ thống năng lượng, tạo ra một nền kinh tế mới – nền kinh tế hydro. Dự kiến, kết quả đạt được của đề tài "Nghiên cứu mô hình kết hợp điện gió ngoài khơi sản xuất hydro bằng phương pháp điện phân trong điều kiện Việt Nam - Tính toán dự án điển hình quy mô công suất 150MW" không chỉ góp phần chuẩn bị định hướng tham gia vào chiến lược phát triển năng lượng hydro tại Việt Nam mà còn là nền tảng khoa học giúp PECC2 kịp thời nắm bắt công nghệ cũng như tạo tiền đề cho các dự án liên quan đến năng lượng hydro trong tương lai. Sau khi nhóm đề tài làm rõ các câu hỏi, tiếp thu góp ý của Hội đồng KH&CN để hoàn thiện thêm đề cương đề tài, đề tài này đã được Hội đồng KH&CN PECC2 đồng ý thông qua và triển khai. Dự kiến đề tài sẽ được hoàn thành vào tháng 2/2022.

Sản xuất hydro từ năng lượng điện tái tạo có tiềm năng thay đổi cách vận hành hệ thống năng lượng

Bên cạnh đó, đề tài "Nghiên cứu tận dụng nhiệt lạnh từ quá trình tái hóa khí LNG" đã được PECC2 xét chọn, thông qua vào tháng 3/2021 và dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2021. Công tác nghiên cứu có sự hợp tác giữa PECC2 và Bộ môn Công nghệ Nhiệt lạnh, trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TPHCM. Thông qua quá trình nghiên cứu, đội ngũ kỹ sư thiết kế của PECC2 đã được nâng cao năng lực thiết kế hiệu quả các nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp. Kết quả đề tài có thể được phát triển thêm, mở ra khả năng nghiên cứu những ứng dụng khác của việc tận dụng nhiệt lạnh quá trình tái khí hóa LNG, từ đó mở rộng phạm vi tư vấn của PECC2 và đáp ứng được các nhu cầu đa dạng của khách hàng trong bối cảnh LNG được đầu tư phát triển rộng rãi ở Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, đề tài vẫn bám sát tiến độ đặt ra.

Tùng Lâm