Nông nghiệp sạch

Nhân rộng mô hình nuôi biển an toàn, thích ứng với thiên tai, khí hậu

Thứ tư, 17/11/2021 | 16:33 GMT+7
Chuyển đổi từ hệ thống lồng nuôi truyền thống sang HDPE công nghệ cao là giải pháp để ngành nông nghiệp Khánh Hòa đưa nghề nuôi biển vươn xa.

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) đang triển khai mô hình nuôi biển cá giò bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy tại huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Nhờ sử dụng lồng nuôi làm từ nhựa HDPE, mô hình nuôi này có thể triển khai tại các vùng biển hở, xa bờ, chịu được sóng gió lớn hơn cấp 12, từ đó giảm thiểu rủi ro, thiệt hại cho nông dân khi thiên tai, bão lũ xảy ra.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Khánh Hòa, năm 2017, cơn bão số 12 giật cấp 15 đổ bộ vào Khánh Hòa đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh, cụ thể lên tới khoảng 16.500 tỷ đồng, riêng lĩnh vực thủy sản thiệt hại hơn 11.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong khi lồng bè truyền thống thiệt hại 100% do bão lũ thì hệ thống lồng HDPE lại an toàn tuyệt đối. Do đó, Khánh Hòa đã xác định nuôi biển công nghệ cao, hiện đại là hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Lồng nuôi cá giò bằng nhựa HDPE được áp dụng tại Khánh Hòa

Anh Trần Ngọc Sỹ, hộ nuôi cá giò trong lồng tròn HDPE, thuộc dự án “Xây dựng mô hình nuôi biển cá giò bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy” chia sẻ, khác với các bè cá truyền thống làm từ gỗ, tre, có hình vuông, lồng HDPE có hình tròn, đường kính 10m, thể tích lồng 500 m3.

Hệ thống lồng nuôi HDPE này hoàn toàn do Việt Nam sản xuất nên chi phí mua chỉ 180 triệu đồng, ít hơn 50% so với lồng Na Uy nhập khẩu. Đặc biệt, lồng nuôi thông thoáng nên cá sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ cá sống đạt từ 80 - 90%, cao hơn 10% so với lồng truyền thống. Vì vậy, sau 7 tháng thả nuôi, cá đã đạt trọng lượng xuất bán 5kg/con.

Với những lợi ích từ mô hình trên, ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, tỉnh sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ bà con, mục tiêu từ nay đến năm 2030 chuyển đổi sang 100% nuôi biển từ lồng truyền thống sang lồng HDPE.

Trong khi đó, Giám đốc TTKNQG Lê Quốc Thanh cho biết, Bộ NN&PTNT đã có định hướng trong tương lai, trong đó ngành thủy sản sẽ đẩy mạnh nuôi biển ở vùng biển xa, đảm bảo chất lượng thủy sản, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Trung tâm đã nghiên cứu và triển khai quy trình nuôi lồng HDPE phù hợp với điều kiện sinh thái, điều kiện ngư dân sản xuất ở nước ta. Trong thời gian tới, sẽ hướng đến sử dụng lồng HDPE không chỉ cho nuôi cá mà còn mở rộng ra nhiều đối tượng khác như tôm hùm, cá chim vây vàng…

Ngoài hệ thống lồng tròn, các cơ quan cũng đang triển khai thêm hệ thống lồng HDPE vuông với đặc trưng là kết cấu vững hơn so với dạng tròn do được liên kết chặt với nhau.

Với những kết quả bước đầu trên, ngành nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa đang cho thấy những tiềm năng, cơ hội lớn trong phát triển bền vững và an toàn.

Theo nongnghiep.vn