Nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu trong năm 2021

Thứ tư, 29/12/2021 | 15:22 GMT+7
Theo báo cáo tổng kết thiệt hại của một số sự kiện thời tiết khắc nghiệt trên thế giới năm 2021 của Tổ chức cứu trợ và hỗ trợ phát triển bền vững Christian Aid (Anh), năm 2021 là năm của sự tàn khốc do biến đổi khí hậu với 15 thảm họa khí hậu tàn khốc nhất được ghi nhận.

Trong đó, có 10 sự kiện gây thiệt hại từ 1,5 tỷ USD trở lên. Các ước tính thiệt hại hầu hết dựa trên tổn thất được bảo hiểm, đồng nghĩa với con số tổn thất tài chính thực tế có thể còn cao hơn.

Cụ thể, nổi bật trong các sự kiện được kể tên là cơn bão Ida đổ bộ vào Mỹ hồi tháng 8, gây thiệt hại 65 tỷ USD và khiến 95 người thiệt mạng. Lũ lụt hồi tháng 7 ở châu Âu gây thiệt hại 43 tỷ USD và làm 240 người thiệt mạng, trong khi lũ lụt ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) gây thiệt hại 17,5 tỷ USD, làm 320 người thiệt mạng và khiến hơn một triệu người phải di dời.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, báo cáo thông thường thường chỉ thống kê số liệu từ việc chi trả bảo hiểm cho những tài sản có giá trị cao nên các nước giàu thường có tên trong bảng kê khai thiệt hại tài sản. Trong khi đó, các nước nghèo cũng phải chịu hậu quả của biến đổi khí hậu, thậm chí nặng nề hơn nhưng lại không được nhắc đến.

Nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề trong năm 2021

Ở các quốc gia này, ngoài phải chịu tổn thất về tài chính, những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề an ninh lương thực, hạn hán và ổn định dân cư. Báo cáo của Christian Aid thống kê rằng: cơn bão Yaas đổ bộ vào Ấn Độ và Bangladesh hồi tháng 5 và gây ra thiệt hại 3 tỷ USD chỉ trong vài ngày. Các sự kiện khác diễn ra trong nhiều tháng như hạn hán sông Paraná ở các quốc gia Mỹ Latinh đã khiến dòng sông, một phần quan trọng của nền kinh tế khu vực ở mực nước thấp nhất trong 77 năm và gây ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sinh kế ở Brazil, Argentina và Paraguay.

Mặt khác, 4/10 sự kiện được ghi nhận lại là bão lũ diễn ra ở châu Á với tổng thiệt hại lên tới 24 tỷ USD. Australia cũng hứng chịu lũ lụt hồi tháng 3 khiến 18.000 người phải di tản, thiệt hại 2,1 tỷ USD; trong khi lũ lụt ở bang British Colombia, Canada, dẫn đến thiệt hại 7,5 tỷ USD và khiến 15.000 người phải rời bỏ nhà cửa.

Báo cáo cũng làm nổi bật các cuộc khủng hoảng đang diễn ra chậm như hạn hán ở lòng chảo Chad đã khiến hồ Chad bị thu hẹp 90% kể từ những năm 1970 và đe dọa cuộc sống cũng như sinh kế của hàng triệu người nghèo nhất thế giới sống trong khu vực.

Đáng lo ngại là sự tàn phá do biến đổi khí hậu như vậy sẽ tiếp tục xảy ra nếu không có hành động cắt giảm lượng khí thải nhà kính toàn cầu.

Các chuyên gia nhận định, những sự kiện khắc nghiệt này góp phần làm nổi bật sự cấp thiết của các hành động cụ thể đối với vấn đề khí hậu. Do đó, năm 2022 thế giới phải thực hiện nhiều hơn nữa những nỗ lực hỗ trợ tài chính cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là thành lập quỹ để đối phó với những mất mát và thiệt hại không thể bù đắp do biến đổi khí hậu mà các nước nghèo đang phải gánh chịu.

TS. Kat Kramer, Trưởng nhóm chính sách khí hậu của Christian Aid, tác giả báo cáo nhận định: Cái giá phải trả của biến đổi khí hậu trong năm nay là rất lớn, bao gồm cả thiệt hại tài chính lẫn con người, cùng với sự di dân trên khắp thế giới. Thật tốt khi thấy một số tiến bộ đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) nhưng thế giới cần đi đúng định hướng để đến được mục tiêu an toàn và thịnh vượng đã đề ra.

Mohamed Adow, Giám đốc tổ chức tư vấn Power Shift Africa nhận định: Báo cáo là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng bầu khí quyển sẽ không chờ đợi chúng ta đối phó với đại dịch Covid. Chúng ta cần phải hành động trên quy mô lớn và phải khẩn trương nếu muốn chống lại những loại tác động này trong tương lai. Châu Phi đã phải gánh chịu một số tác động tàn khốc nhất, nếu không muốn nói là tốn kém nhất về mặt tài chính, từ lũ lụt đến hạn hán.

Hiện tại, Đông Phi đang phải hứng chịu một đợt hạn hán khủng khiếp - thứ đang đẩy các cộng đồng nơi đây đến bờ vực nguy hiểm. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là năm 2022 cần có hành động thực sự để giúp đỡ những cộng đồng đang gặp khó do biến đổi khí hậu.

Phương An