Văn hóa, du lịch

Phát huy nguồn lực văn hóa trong phát triển đất nước

Thứ hai, 17/4/2023 | 10:49 GMT+7
Mới đây, trong khuôn khổ Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Diễn đàn văn hóa với chủ đề “Các dân tộc Việt Nam - nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Diễn đàn nhằm tiếp tục nhận diện, làm rõ nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam, qua đó huy động sáng kiến, giải pháp khơi nguồn lực văn hóa các dân tộc cho mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương đẩy mạnh, phát triển văn hóa trong chính trị, kinh tế để nhằm hướng đến xây dựng nền chính trị lớn mạnh, chống lại sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức; phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa và đạo đức; hướng đến vì con người, vì cộng đồng và vì dân tộc. Trên bình diện đối ngoại quốc tế, Việt Nam đang tăng cường quảng bá, giới thiệu sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa các dân tộc Việt Nam; từng bước thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa để thể hiện sức mạnh và khả năng chuyển hóa các nguồn lực, tài nguyên văn hóa dồi dào của cộng đồng các dân tộc; phát huy sức mạnh mềm của văn hóa và nâng cao hơn nữa hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Diễn đàn văn hóa với chủ đề “Các dân tộc Việt Nam - nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong bối cảnh xã hội đương đại với sự gia tăng của toàn cầu hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nguồn lực văn hóa của các tộc người càng trở nên quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Tuy nhiên, muốn phát huy tốt được nguồn lực này trong phát triển, cần thiết phải nhìn lại cách hiểu, cách ứng xử của xã hội đối với nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã cùng tập trung thảo luận làm rõ tính đa dạng của văn hóa và tri thức dân tộc, chính sách dân tộc về văn hóa ở Việt Nam, đồng thời chia sẻ bài học kinh nghiệm, đề xuất sáng kiến, giải pháp đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc nói riêng, phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc nói chung trong bối cảnh hiện nay.

Trong đó, nhiều ý kiến đạt được sự đồng thuận cao như: cần chú trọng đào tạo lực lượng “chiến sĩ văn hóa” vừa hồng vừa chuyên; khai thác nguồn lực văn hóa các dân tộc cho phát triển công nghiệp văn hóa; xây dựng Mạng lưới di sản tương đồng, phát huy sự đa dạng của biểu đạt văn hóa trong thời kỳ Cách mạng 4.0; phát huy mô hình du lịch cộng đồng trong bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số…

Cụ thể, GS.TS Bùi Thanh Quang, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã nêu nhóm giải pháp nhằm củng cố lòng tin và niềm tự hào của đồng bào các dân tộc thiểu số về các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao dân trí và song hành với việc nâng cao nhận thức của nguồn lực quan phương, từng bước hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật và tầng lớp trí thức người dân tộc; xây dựng và bảo vệ môi trường văn hóa các địa phương…

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm nhấn mạnh, nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của mỗi cộng đồng nên việc nghiên cứu vừa tổng thể, bao quát vừa chuyên sâu, cụ thể về nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số là vô cùng cần thiết. Do đó, cần nhận diện nguồn lực văn hóa này một cách chính xác, đầy đủ, cập nhật và không định kiến, giúp cho việc hiểu sâu về quá trình hình thành và phát huy nguồn lực văn hoá các dân tộc thiểu số, từ đó có những chiến lược, hành động thiết thực để phát huy tốt nguồn lực văn hóa này trong phát triển kinh tế - xã hội.

Qua những thảo luận trực tiếp, các đại biểu đã thống nhất nâng cao và lan tỏa nhận thức về nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam, bao gồm ý kiến từ thực tiễn trong quản lý nhà nước, hoàn thiện thể chế và cổ vũ sáng tạo. Từ đó, đề xuất kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng và sử dụng nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam trong phát triển đất nước.

Gia Linh