Văn hóa, du lịch

Phát triển bền vững du lịch Long An

Thứ tư, 21/9/2022 | 16:48 GMT+7
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa du lịch tỉnh Long An năm 2022 vừa diễn ra, UBND tỉnh Long An tổ chức hội thảo Giải pháp phát triển bền vững du lịch Long An giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Long An là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ xuống đồng bằng sông Cửu Long; phía Bắc giáp tỉnh Tây Ninh và Vương quốc Campuchia, có đường biên giới dài 133km; phía Đông giáp TPHCM; phía Nam giáp tỉnh Tiền Giang, phía Tây giáp với tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, với vị trí “giao thoa” giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, Long An đóng vai trò cầu nối giữa 2 vùng kinh tế quan trọng trong giao thương hàng hóa và du lịch.

Tài nguyên du lịch của tỉnh Long An tương đối phong phú và đa dạng về cảnh quan sông nước, rừng tràm; có hệ sinh thái đất ngập nước khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen; có 122 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, danh thắng, khảo cổ và 3 công trình văn hóa có tính lịch sử.

Phát biểu về định hướng phát triển du lịch tỉnh Long An, ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An thông tin, thời gian qua, UBND tỉnh Long An đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu là Long An sẽ trở thành điểm đến du lịch vệ tinh hàng đầu của TPHCM ở vùng du lịch đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Long An cũng đã ban hành Chương trình về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hội thảo Giải pháp phát triển bền vững du lịch Long An giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Ông Nguyễn Văn Được chia sẻ, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vốn ngân sách đầu tư đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm để kích cầu xã hội hóa đầu tư du lịch. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa du lịch, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, dịch vụ hỗ trợ để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch; liên kết vùng cùng nhau khai thác tài nguyên du lịch của từng địa phương nhằm hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng có tính liên vùng, hấp dẫn, kết nối tạo tour/tuyến, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Long An.

Tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Long An đã đặt hàng các chuyên gia, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp 3 dự án: du lịch nông nghiệp gắn với cây chanh: các sản phẩm chế biến từ chanh, khu vườn sản xuất chanh công nghệ cao; xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh gắn với làng mai Tân Tây; du lịch gắn với Trung tâm dược liệu Đồng Tháp Mười.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã nhận định về tài nguyên du lịch Long An. Trong đó, tỉnh được đánh giá là địa phương có hệ thống di tích lịch sử văn hóa thuộc nhiều thời kỳ khác nhau, loại hình và tính chất di sản đa dạng và độc đáo. Long An đã tập trung bảo tồn và phát huy giá trị những di tích thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tuy nhiên vẫn còn nhiều loại hình di tích khác như di tích khảo cổ học, di tích kiến trúc tôn giáo và dân dụng… nhưng chưa có điều kiện bảo tồn và phát huy giá trị một cách phù hợp.

Để du lịch Long An phát triển bền vững trong thời gian tới, tỉnh cần chú trọng đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch thế mạnh như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch gắn với văn hóa, di sản, ẩm thực.

Bên cạnh đó, tỉnh cần đầu tư khai thác các hoạt động trải nghiệm nâng cao cho du khách; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong quản lý nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên đáp ứng được nhu cầu của du khách; đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối với các điểm du lịch, các trung tâm đô thị; tăng cường mở tour khảo sát cho các doanh nghiệp lữ hành, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn gặp khó khăn.

Cùng với đó, phối hợp các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long xây dựng tour, tuyến đặc trưng tránh trùng lặp với tỉnh bạn; tăng cường liên kết với du lịch TPHCM để kéo dài thời gian đến cho du khách trong nước và quốc tế…

Khả Như (T/H)