Nông nghiệp sạch

Phát triển bền vững mô hình nuôi cá lồng bè

Thứ sáu, 3/12/2021 | 14:59 GMT+7
Ngày 2/12, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hải Dương cùng nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ tổ chức diễn đàn “Phát triển nuôi cá lồng bè bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái” để đánh giá và nhân rộng mô hình này.

Phát biểu tại diễn đàn, Trưởng phòng Khuyến ngư (TTKNQG) Đặng Xuân Trường cho biết, hiện nay mỗi năm có khoảng 4 - 5 dự án phát triển nuôi cá lồng bè nước ngọt trên sông và hồ chứa. Đối tượng được nuôi thường là các loài bản địa, đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá chiên, cá bỗng… và sắp tới có thể mở rộng thêm các loại cá phổ thông hơn như cá trắm đen, cá chép…

Theo đánh giá của TTKNQG, do có sự kết nối của nhiều con sông ở đồng bằng Bắc Bộ nên Hải Dương có nhiều điều kiện thuận lợi về mặt nước, thích hợp cho phát triển nghề nuôi cá lồng bè. Thực tế cũng cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 9 huyện, thị xã, thành phố nuôi cá lồng với 7.040 lồng nuôi/451 hộ nuôi. Năm 2020, sản lượng cá lồng của tỉnh đạt khoảng 17.000 tấn; chiếm 18,02% sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh.

Ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương cho biết, năm 2021, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn có những phát triển đáng ghi nhận, trong đó có lĩnh vực nuôi cá lồng bè nước ngọt. Tỉnh hiện có hơn 7.000 lồng cá trên sông, sản lượng gần 30.000 tấn/năm, chủ yếu là cá diêu hồng, rô phi đơn tính, cá nheo, cá trắm, cá chép, cá tầm… Với việc ứng dụng công nghệ cao, nhiều cơ sở được lắp đặt hệ thống chăm sóc theo dõi tự động, trích xuất QR code, gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đảm bảo chất lượng thủy sản luôn đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường khó tính. Nhiều năm nay, cá lồng Hải Dương đã đem lại nguồn lợi không nhỏ cho người nuôi và các địa phương.

Mô hình nuôi cá lồng bè đảm bảo chất lượng tại tỉnh Hải Dương

Tuy nhiên, đại diện Sở NN&PTNT Hải Dương cũng chia sẻ, nghề nuôi cá lồng bè ở tỉnh vẫn còn một số hạn chế về kỹ thuật, không đồng đều về chất lượng. Mặt khác, việc nuôi lồng gây áp lực lên môi trường và nhiều nơi còn nuôi tự phát, tiềm ẩn rủi ro... Do đó, thông qua diễn đàn, ông Vũ Việt Anh mong muốn nhận được nhiều chia sẻ về kinh nghiệm, kỹ thuật từ các chuyên gia, cơ quan quản lý để phát huy hiệu quả tối đa của mô hình nuôi trồng này.

Lắng nghe ý kiến của Sở NN&PTNT Hải Dương, TTKNQG và các địa phương, đơn vị liên quan đã cùng thảo luận, tìm ra phương án để phát triển bền vững, đảm bảo môi trường cũng như giảm giá thành vật tư, nhưng vẫn tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Bên cạnh đó, thông qua diễn đàn, các cơ quan trong ngành nuôi trồng thủy sản có thể nhìn nhận, đánh giá vai trò và đưa ra phương hướng phát triển hệ thống khuyến nông cơ sở ở các địa phương, phát huy được hết chuyên môn để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi cá lồng bè nước ngọt.

Cụ thể, để phát triển bền vững, các hộ nuôi nên đảm bảo chất lượng nguồn cung và độ ổn định trong thu mua con giống, thức ăn để có chất lượng thành phẩm đạt tiêu chuẩn, cũng như được bao tiêu đầu ra. Các chủ hộ cũng phải nắm vững kiến thức về nuôi cá lồng bè, phải nắm được các bệnh của từng loại cá vào từng thời điểm để có phương pháp nâng cao chất lượng thể trạng con giống.

Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản khẳng định: Tổng cục sẽ kiến nghị, đề xuất, chỉ đạo địa phương thống kê danh mục các cơ sở, lựa chọn một số vùng nuôi trọng điểm để tập trung đầu tư hạ tầng nhằm tạo ra vùng sản xuất; chủ động phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I và các địa phương kiểm tra hiện trạng đàn cá bố mẹ của các Trung tâm Giống thủy sản tỉnh và giống thủy sản của tư nhân để xây dựng kế hoạch bổ sung nâng cấp chất lượng đàn cá bố mẹ chuẩn bị cho sản xuất những năm tiếp theo; sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai sản xuất giống vụ Đông Xuân, kế hoạch chống rét cho cá bố mẹ và cá giống, kiểm tra chất lượng thủy sản lưu hành trong địa phương, giống thủy sản nhập khẩu qua đường tiểu ngạch.

Lâm Bảo