Nông nghiệp sạch

Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp carbon thấp, tăng trưởng xanh

Thứ tư, 8/6/2022 | 17:15 GMT+7
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội thảo xây dựng đề xuất dự án Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp carbon thấp và tăng trưởng xanh.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) và lãnh đạo ngành nông nghiệp nhiều địa phương. Phát biểu tại hội thảo, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB Cao Thăng Bình đánh giá, thực tế hiện nay cho thấy nhu cầu nhập khẩu hàng hóa xanh và sản phẩm bền vững của các quốc gia trên thế giới có xu hướng ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong việc giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi hệ thống lương thực theo hướng minh bạch, có trách nhiệm và bền vững.

Cụ thể, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam đã đặt ra mục tiêu thúc đẩy nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nông nghiệp carbon thấp.

Nghiên cứu về sử dụng đất nông nghiệp và sinh kế bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho thấy, có thể giảm 12 - 23 tấn CO2 bằng cách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) và thực hành nông nghiệp tốt (GAP); thay thế đất lúa kém hiệu quả bằng các hệ thống canh tác thông minh thích ứng với khí hậu, giảm thất thoát sau thu hoạch và quản lý rơm rạ tốt hơn.

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thông minh, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu

Chia sẻ về đề xuất chương trình giảm 9 triệu tấn khí nhà kính trong ngành nông nghiệp của Việt Nam, ông Cao Thăng Bình phân tích, áp dụng biện pháp “1 phải 5 giảm” trên 600.000ha (70% diện tích lúa còn lại trong vùng chính) ở ĐBSCL sẽ giảm khoảng 3,2 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Đồng thời, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang hệ thống canh tác carbon thấp bằng cách chuyển đổi 530.000ha (70%) đất trồng lúa kém hiệu quả ở ĐBSCL sang các hệ thống canh tác carbon thấp có lượng phát thải bằng một nửa, qua đó giảm được khoảng 2,6 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Khi quản lý rơm rạ tốt hơn bằng cách tái chế 70% rơm rạ ở ĐBSCL (70% trong số 5 triệu tấn rơm khô) để sử dụng thay thế, ít phát thải khí nhà kính hơn khoảng 50% so với đốt, sẽ giúp giảm 2,6 triệu tấn CO2 mỗi năm; giảm tổn thất thu hoạch/sau thu hoạch từ 13% xuống 7%, tương đương giảm khoảng 0,8 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Qua đây, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB kết luận: Tổng mức giảm khí nhà kính tiềm năng từ quy mô trên sẽ vào khoảng 9 triệu tấn CO2. Điều này có thể thực hiện được trong khoảng 10 năm tới. Các hoạt động sẽ yêu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phát triển thị trường cho các mặt hàng mới. Đổi lại, người dân có thể kỳ vọng một mức thu nhập tốt hơn với các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh bày tỏ sự vui mừng khi Bộ NN&PTNT, WB và các địa phương đã có sự đồng thuận cao trong khâu chuẩn bị, xây dựng dự án.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Đây là vấn đề liên quan đến môi trường, là nỗi lo chung của toàn thế giới. Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ và đi tiên phong trong việc giảm phát thải nên sẽ lựa chọn những hoạt động, mô hình đảm bảo mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với từng địa phương. Để dự án mang lại hiệu quả, thành công thì khâu tư vấn, chuẩn bị hợp phần dự án có vai trò hết sức quan trọng và phải được rà soát, thực hiện kỹ ưỡng.

Theo đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Sở NN&PTNT các địa phương báo cáo lãnh đạo tỉnh để rà soát, kiểm tra, sau đó khẳng định khả năng cùng tham gia dự án với Bộ NN&PTNT. Đồng thời, mong muốn WB sẽ tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ nguồn lực, nguồn vốn cho Bộ NN&PTNT và các địa phương.

Minh Khang