Văn hóa, du lịch

Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô

Thứ năm, 10/6/2021 | 17:38 GMT+7
Ngày 10/6, Ban chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tổ chức tọa đàm "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021, định hướng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp".

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết, Hà Nội tiếp tục xác định và khẳng định tiềm năng, lợi thế trong việc phát huy "sức mạnh mềm" văn hóa, thúc đẩy phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, khơi dậy ý chí và khát vọng đổi mới sáng tạo, đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.

Theo bà, trong quá trình thực thi chính sách phát triển, thành phố đã tổ chức, phối hợp tổ chức thành công nhiều lễ hội, sự kiện quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo như: Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF), cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm Thủ công mỹ nghệ Hà Nội; Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội; Lễ hội Singapore, Lễ hội văn hóa Hàn Quốc, Lễ hội văn hóa - ẩm thực Pháp, Lễ hội Đức, Lễ hội đường phố Hà Nội, Lễ hội ánh sáng, Lễ hội âm nhạc gió mùa, Lễ hội nghệ thuật dân gian đương đại, Lễ hội thiết kế sáng tạo RMIT, Chương trình "Tinh hoa Bắc Bộ"... Nhiều không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật cộng đồng đem lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế như: không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố bích họa Phùng Hưng, phố sách Hà Nội...

Hoạt động văn hóa cộng đồng thu hút đông đảo người dân tham gia

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, thành phố cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như: chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, văn hóa số; sự tăng trưởng kinh tế chưa ổn định; quá trình đô thị hóa nhanh; giáo dục sáng tạo, đào tạo trên các lĩnh vực công nghiệp văn hóa chưa cập nhật sự phát triển chung của thế giới; thiếu cơ chế phối hợp, liên kết tuần hoàn, bền vững giữa các lĩnh vực công nghiệp văn hóa; thị trường văn hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế...

Để có thể thực hiện tốt việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, thành phố sẽ chú trọng vào một số phần việc như: tạo dựng môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, hoàn chỉnh các quy hoạch văn hóa (nhà hát, quảng trường, bảo tàng...); hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp; tạo hệ sinh thái văn hóa sáng tạo bao gồm thị trường văn hóa, đưa vào hệ thống giáo dục để đào tạo một thế hệ công chúng biết trân trọng giá trị văn hóa truyền thống và biết hưởng thụ văn hóa hiện đại thế giới; quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực...

"Đây là việc làm dài hơi và cần có sự đầu tư bài bản, lâu dài, vì thế, thành phố đã xây dựng chiến lược Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô gồm nhiều giai đoạn với những nhiệm vụ cụ thể", ông Phong cho biết.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến phát biểu của các nhà báo, nhà sản xuất, văn nghệ sĩ trong nhiều lĩnh vực cũng nêu các tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, hạn chế và những đóng góp thiết thực cho việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Bảo An (T/H)