Nông nghiệp sạch

Phát triển hệ sinh thái nông nghiệp theo hướng chống chịu với biến đổi khí hậu

Thứ tư, 21/12/2022 | 15:47 GMT+7
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) và các đối tác vừa tổ chức hội thảo Khởi động dự án nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp và cộng đồng thông qua các mô hình sinh kế dựa vào tự nhiên tại khu vực ven biển đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Trưởng đại diện WWF Việt Nam cho biết, dự án có mục tiêu là nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp và cộng đồng địa phương tại khu vực ven biển tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, thông qua việc tăng cường quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn, áp dụng các thực hành thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Tại Cà Mau, dự án thực hành cải tiến mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn, hạn chế phá rừng, tăng cường việc quản lý, bảo vệ và trồng mới rừng ngập mặn nhằm tăng khả năng hấp thụ carbon. Tại Bạc Liêu, dự án tập trung vào mô hình sản xuất luân canh tôm - lúa, hỗ trợ các phương pháp thực hành tốt hơn, bao gồm nuôi tôm sú 2 giai đoạn, điều tiết nước, sử dụng vi sinh để cải thiện chất lượng nước và thức ăn tự nhiên.

Bà Phạm Cẩm Nhung, quản lý chương trình Khí hậu và Năng lượng (WWF Việt Nam) nhận định: “Chúng ta không thể bảo vệ con người nếu như không bảo vệ thiên nhiên. Hơn 77.000ha rừng ngập mặn hiện nay tại đồng bằng sông Cửu Long chính là đồng minh của chúng ta trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Do đó, các giải pháp dựa vào tự nhiên như tôm - rừng, tôm – lúa là các phương pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất để giúp các hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp có khả năng chống chịu tốt hơn và tiếp tục cung cấp những dịch vụ thiết yếu cho con người, đặc biệt cho các cộng đồng dễ tổn thương tại Cà Mau và Bạc Liêu”.

Canh tác nông nghiệp dựa vào khả năng chống chịu tự nhiên với biến đổi khí hậu

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu, ngành tôm Bạc Liêu đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp và chưa có cách phòng trị hiệu quả. Công tác môi trường trong nuôi tôm thâm canh đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong khi đó, cạnh tranh thương mại trên thị trường thế giới ngày càng khốc liệt. Vì vậy, Bạc Liêu rất cần được hỗ trợ về kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết và hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế để tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Ông Lê Hoài Phương, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển cho biết, là huyện duy nhất của tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển, người dân trong huyện sống phụ thuộc vào nuôi trồng thủy sản trong đất lâm nghiệp. Những năm gần đây, nước biển dâng và thời tiết khắc nghiệt đã khiến năng suất giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân trong huyện.

Dự án nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp và cộng đồng thông qua các mô hình sinh kế dựa vào tự nhiên tại khu vực ven biển đồng bằng sông Cửu Long là dự án quan trọng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, quy hoạch và định hướng phát triển chung của địa phương. Dự án thông qua các hoạt động tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, áp dụng thực hành các giải pháp thuận tự nhiên, nâng cao giá trị thương phẩm gắn với bảo vệ và phát triển rừng, ổn định sinh kế cho người dân.

Việt Nga