Nông nghiệp sạch

Phát triển nghề nuôi hải sâm bền vững

Thứ năm, 15/12/2022 | 17:20 GMT+7
Mới đây, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận, Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR) và Công ty Hải sâm Việt Nam đã tổ chức hội thảo Xây dựng cơ chế hợp tác phát triển chuỗi giá trị hải sâm cát nuôi bền vững.

Theo thông tin tại hội thảo, hải sâm có trên 1.400 loài, có giá trị dinh dưỡng cao, giá trị về y học, dược học cao nên đã bị khai thác quá mức trong môi trường tự nhiên. Để phục vụ nhu cầu tiêu thụ, Việt Nam đã nghiên cứu nuôi trồng hải sâm mít, hải sâm cát, hải sâm vú và hải sâm đen.

TS. Nguyễn Đình Quang Duy, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho biết, từ năm 1995, Viện đã tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm nuôi hải sâm, đến nay Viện đã làm chủ công nghệ sản xuất con giống hải sâm cát, nuôi thương phẩm trên quy mô sản xuất. Năm 2019, loài hải sâm vú tiếp tục được Viện nghiên cứu thành công sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm.

Ông Nguyễn Đình Quang Duy cho biết thêm, thức ăn chính của hải sâm là phù du và chất hữu cơ có trong nước biển, góp phần lọc nước làm sạch môi trường. Ngoài ra, hải sâm cát có thể nuôi kết hợp với ốc hương, cá chim, cá dìa; nuôi luân canh với cá mú, tôm sú, tôm thẻ nên đem lại rất nhiều lợi ích và phù hợp với chiến lược nuôi biển của ngành thủy sản, góp phần gia tăng giá trị kinh tế, giảm chi phí nuôi, dễ quản lý và thân thiện với môi trường.

Phát triển nghề nuôi hải sâm cát bền vững

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng đại diện ACIAR cho biết, ACIAR có mặt tại Việt Nam 29 năm và đã thực hiện 243 dự án với trị giá 157 triệu AUD. Trong đó, các nhà khoa học của Úc và Việt Nam đã thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học giúp nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho nông dân, đặc biệt là nông dân ở vùng khó khăn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp.

Đặc biệt, ACIAR đã tham gia hỗ trợ tài chính và kết nối hợp tác với các nhà khoa học Úc trong các dự án nghiên cứu hải sâm cát do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III chủ trì. Trong đó, giúp xây dựng và hoàn thiện quy trình sản xuất giống hải sâm cát, nuôi thương phẩm, nuôi xen canh và luân canh với các loài thủy hải sản khác, giúp cải thiện môi trường nuôi và tăng thu nhập đáng kể cho người nuôi.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, Ninh Thuận sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế biển. Để địa phương mạnh về biển, tỉnh Ninh Thuận chủ trương đưa ra các giải pháp thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực, có trách nhiệm đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thủy sản; kỹ thuật sản xuất chuyển từ phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thời gian tới, tỉnh định hướng nghiên cứu xây dựng tạo đàn hải sâm cát bố mẹ chất lượng cao đủ cung cấp cho các trại sản xuất giống đạt chuẩn; nghiên cứu cải tiến quy trình sản xuất giống, chất lượng con giống; nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm hải sâm phù hợp cho từng địa phương, vùng nuôi theo quy hoạch. Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp để đầu ra ổn định, xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị nhằm phát triển nghề nuôi trồng hải sâm cát bền vững, thân thiện môi trường và có tính cạnh tranh cao tại Việt Nam và thế giới.

Cụ thể, để nghề nuôi hải sâm cát đạt hiệu quả cao, các địa phương cần sớm quy hoạch vùng nuôi phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và ngư dân xây dựng chuỗi giá trị hải sâm cát nuôi; tuyên truyền, vận động nông dân tham gia chuỗi liên kết để mang lại hiệu quả cao; hỗ trợ thành lập các nhóm nông dân, hợp tác xã làm tiền đề cho việc thúc đẩy hợp tác có hiệu quả với doanh nghiệp...

Mỹ Dung