Theo ông Võ Hoàng Cương, Bí thư Huyện ủy Lai Vung, sau thời gian khắc phục hiện tượng bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi, toàn huyện có khoảng 300ha canh tác cây quýt hồng. Trong đó có hơn 200ha quýt hồng cho trái phục vụ Tết. Trong vụ quýt Tết Nguyên đán 2023, dự kiến sản lượng quýt hồng toàn huyện cung ứng cho thị trường hơn 5.000 tấn trái, tăng gấp đôi so với năm trước. Điều này mang lại hiệu quả lớn, giúp nông dân vực dậy loại cây thế mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình trồng quýt hồng hữu cơ
Thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng liên kết, an toàn, giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng lợi nhuận, giữ vững thương hiệu quýt hồng Lai Vung. Trong đó, thực hiện tốt việc đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường. Đặc biệt, chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ và tăng cường ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho cây quýt hồng.
Vận động nông dân tham gia các hình thức hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hình thành vùng sản xuất tập trung với quy mô phù hợp, tăng cường tập huấn nông dân thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc theo mã vùng trồng. Kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài huyện đầu tư sản xuất và thu mua nông sản cho nông dân theo hợp đồng.
Bí thư Huyện ủy Lai Vung thông tin thêm, đầu tháng 1/2023, huyện sẽ tổ chức Lễ hội quýt hồng Lai Vung lần thứ I với chủ đề “Khát vọng vươn lên” nhằm tôn vinh, giới thiệu, quảng hình ảnh cây, trái quýt hồng cũng như giá trị văn hóa, kinh tế cho các sản phẩm từ quýt hồng Lai Vung. Đồng thời, phát triển du lịch gắn với sản vật địa phương và tạo dựng hình ảnh Lai Vung thân thiện, mến khách để thu hút nhiều người biết đến.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan ghi nhận những nỗ lực và thành quả mà huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện thời gian qua. Từ đó, Bộ trưởng động viên, khuyến khích nông dân canh tác nông nghiệp tại huyện Lai Vung tiếp tục sản xuất nông nghiệp thật tốt, tận dụng và phát huy hết những lợi thế của địa phương. Cùng với đó, nâng cao giá trị sản phẩm thông qua các biện pháp canh tác hữu cơ.
Ngoài ra, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Lai Vung cũng phải thường xuyên gần gũi, chia sẻ, động viên, khuyến khích lan tỏa các mô hình canh tác nông nghiệp hiệu quả. Trong đó, phải tập trung vực dậy và gìn giữ hình ảnh của thương hiệu quýt hồng Lai Vung, xây dựng các tổ, câu lạc bộ nông dân sản xuất hữu cơ, sản xuất VietGAP nhằm lan tỏa mô hình nông nghiệp hiệu quả.
Đồng thời, yêu cầu huyện tập trung các khâu chuẩn bị cho Lễ hội quýt hồng lần thứ I năm 2023. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ huyện trong việc tổ chức các hội thảo, hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất cây có múi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp...