Năng lượng tái tạo

Phát triển năng lượng mới góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net Zero

Thứ tư, 10/7/2024 | 10:17 GMT+7
Việt Nam đang trên hành trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh, sạch, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero).

Ngày 10/7, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp cùng Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chủ trì tổ chức "Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới Net Zero" với chủ đề “Triển vọng phát triển năng lượng mới - Kinh nghiệm quốc tế và chiến lược hiệu quả đối với Việt Nam”.

Trong những năm qua, tầm nhìn về một tương lai bền vững và phát triển ngày càng quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng. Các nguồn năng lượng truyền thống gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường. Thực hiện cam kết đảm bảo an ninh năng lượng và tầm nhìn năng lượng quốc gia, Việt Nam đã bắt đầu đặt ra mục tiêu về phát triển năng lượng xanh, giảm lượng khí nhà kính.

Mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26 đã thể hiện sự tập trung và quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một hành trình phát triển bền vững, với mục tiêu chính là tạo điều kiện cho thế hệ tương lai có môi trường sạch, an toàn.

Chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh, sạch, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang năng lượng sạch không dễ dàng. Việc xây dựng hệ thống cung cấp năng lượng sạch đòi hỏi đầu tư lớn. Cùng với đó, công nghệ trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong  việc đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định.

Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 134,7 tỷ USD (13,4 tỷ US/năm) nhưng thực hiện 3 năm qua mới khoảng 30 tỷ USD (8,5 tỷ US/năm); trong 6,5 năm còn lại phải đầu tư 105 tỷ USD (16,1 tỷ US/năm) là thách thức lớn. Hạ tầng hệ thống điện chưa đáp ứng được tích hợp tỷ lệ cao năng lượng tái tạo biến đổi (điện mặt trời và gió); vận hành khó khăn (thiếu nguồn linh hoạt, hệ thống lưu trữ năng lượng). Chúng ta còn thiếu quy định pháp luật cho phát triển điện gió ngoài khơi.

Vướng mắc khi thỏa thuận hợp đồng mua bán điện với các dự án điện LNG. Thị trường điện chậm triển khai; giá điện chưa linh hoạt theo yếu tố đầu vào… Trong khi đó, công nghệ - nhiên liệu xanh cho công nghiệp và giao thông vận tải như công nghệ nhiên liệu hydrogen còn ở giai đoạn thử nghiệm, chưa thị trường hóa; công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon còn nhiều thách thức, giá thành cao…

Bên cạnh đó, cơ sở pháp lý cho triển khai các nguồn điện chạy nền và nguồn năng lượng tái tạo chưa được hoàn thiện.

“Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới Net Zero” với mục tiêu hội tụ các bên liên quan cùng cập nhật, chia sẻ thảo luận, qua đó tiếp tục nhìn nhận, đánh giá rõ hơn những xu hướng, kinh nghiệm cũng như tốc độ chuyển đổi năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch của các quốc gia trên thế giới, làm cơ sở tham khảo cho Việt Nam trên hành trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh, sạch, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0.

Diễn đàn được cấu trúc thành 2 phiên: phiên tham luận và phiên thảo luận. Phiên tham luận với các bài phân tích về thực thi Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045; tổng hợp và phân tích quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam từ chủ trương tới thực tiễn và kế hoạch triển khai JETP nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Các chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp phân tích những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, chuyển dịch sang năng lượng sạch. Đồng thời thảo luận về những cơ hội cũng như thách thức đang phải đối mặt, tìm cách giải quyết để phát triển nguồn năng lượng mới của Việt Nam trong thời gian tới.

Diễn đàn cũng bàn luận các vấn đề về xu hướng sử dụng năng lượng LNG trên thế giới và hiện trạng của Việt Nam; thực tế triển khai chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam; tiềm năng và thách thức trong phát triển các nguồn năng tái tạo; đề xuất giải pháp phù hợp để phát triển ngành năng lượng trong thời gian tới. Đặc biệt, các chuyên gia, tổ chức nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm từ các nước đi trước, đồng thời đưa ra khuyến nghị cho bức tranh chuyển dịch năng lượng hiệu quả của Việt Nam.

Lan Anh