Dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu gạo vùng Tứ Giác Long Xuyên tập trung giải quyết 3 vấn đề lớn, hướng tới sản xuất gắn với thương hiệu lúa giảm phát thải khí nhà kính. Bao gồm: vùng nguyên liệu phải đạt chuẩn (giống lúa chất lượng cao, diện tích sản xuất cùng một giống phải đủ lớn, quy trình sản xuất tiên tiến); giảm chi phí trong sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, thu nhập cho người trồng lúa; tổ chức lại sản xuất, làm kinh tế tập thể, trong đó hợp tác xã là chủ lực, với sự hỗ trợ của ngành chuyên môn về kỹ thuật, tổ chức sản xuất theo đúng mùa vụ khuyến cáo và thị trường tiêu thụ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Hiến, Trưởng Ban quản lý các dự án nông nghiệp cho biết, hợp phần 3 của dự án được chủ đầu tư là Ban quản lý các dự án nông nghiệp triển khai, gồm 1 gói thầu xây lắp với giá trị thực hiện khoảng 77 tỷ đồng. Mục tiêu đầu tư của hợp phần 3 là nhằm hình thành vùng sản xuất nguyên liệu lúa gạo quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao tại các hợp tác xã. Thúc đẩy mối liên kết, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu lúa gạo trên 190.000ha, trong đó tỉnh Kiên Giang khoảng 52.000ha và An Giang hơn 14.000ha. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo; đáp ứng yêu cầu về mặt chất lượng và giảm giá thành sản phẩm nguyên liệu lúa gạo phục vụ chế biến và xuất khẩu. Tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương, qua đó góp phần nâng cao chất lượng chương trình xây dựng nông thôn mới ở vùng Tứ Giác Long Xuyên.
Theo đó, dự án sẽ đầu tư 5 tuyến đường giao thông kết nối vùng nguyên liệu với các trục giao thông chính với tổng chiều dài hơn 35km thuộc địa bàn 2 tỉnh Kiên Giang và An Giang. Xây dựng mới 5 trạm bơm kết hợp cống điều tiết đảm bảo tưới, tiêu cho khoảng 2.000ha lúa của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Khởi công hợp phần 3 dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo vùng Tứ Giác Long Xuyên
Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, vùng Tứ Giác Long Xuyên là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của tỉnh, có diện tích gieo trồng lúa chiếm 39% tổng diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh (khoảng 273.796/700.000ha/năm). Trong vùng đề án đã cấp được 34 mã số vùng trồng cho lúa, thuộc các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, đã triển khai liên kết theo mô hình cánh đồng lớn được 260 cánh đồng với 31.057ha với nhiều doanh nghiệp tham gia. Tỉnh đã thành lập được 10 tổ khuyến nông cộng đồng phục vụ phát triển nguồn nguyên liệu lúa gạo tại vùng Tứ Giác Long Xuyên, tăng cường tập huấn quy trình sản xuất lúa theo theo tiêu chuẩn "1 phải 5 giảm", canh tác lúa thông minh, VietGAP, GlobalGAP, SRP, hữu cơ…
Chỉ đạo tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, Bộ cùng với các địa phương khởi công dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu gạo vùng Tứ Giác Long Xuyên. Các hợp phần khác sẽ được triển khai tiếp theo để sớm hoàn thành toàn bộ dự án. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ nhằm đảm bảo chất lượng và nâng cao giá trị cạnh tranh của nông sản, để xuất khẩu được tới tất cả các thị trường quốc tế.
Theo Thứ trưởng, hiện nay, hầu hết các nước đều yêu cầu sản phẩm nông sản phải có xuất xứ nguồn gốc, đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo chứng nhận. Một số nước đã bắt đầu yêu cầu sản phẩm phải có nhãn hiệu đạt chuẩn, thậm chí phải có chứng nhận giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Trong đó, các sản phẩm nông nghiệp phải không liên quan đến phá rừng, sản xuất tác động xấu đến môi trường, phát thải nhiều.
Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển các vùng nguyên liệu, định hướng tập trung đầu tư để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất lúa đạt chuẩn, đảm bảo các tiêu chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Bộ xác định 2 tỉnh Kiên Giang và An Giang là trọng điểm sản xuất lúa gạo của đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, riêng vùng nguyên liệu gạo tập trung được đầu tư cơ sở hạ tầng ước tính sẽ sản xuất ra khoảng 1 triệu tấn lúa nguyên liệu mỗi năm.