Nông nghiệp sạch

Phát triển nông nghiệp gắn với quy hoạch đô thị, chú trọng ứng dụng công nghệ cao

Thứ tư, 26/1/2022 | 15:43 GMT+7
Để phát triển ngành nông nghiệp Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng cần phát triển nông nghiệp gắn với quy hoạch đô thị, chú trọng ứng dụng công nghệ cao.

Mới đây, tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ: “Nông nghiệp, nông thôn được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô trong hiện tại và tương lai. Đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nông nghiệp tiếp tục chứng tỏ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế - xã hội”. Mặt khác, ngành đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cũng như kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm là hai mục tiêu quan trọng của thành phố trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo Tổng cục Thống kê, giá trị gia tăng ngành nông nghiệp Hà Nội năm 2021 ước đạt 3,46%, thuộc Top cao trong nhóm các đô thị lớn. Cơ cấu giá trị sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi của thành phố đạt 36.113,6 tỷ đồng, chiếm 91,3% tổng giá trị. 

Hà Nội đã hình thành và tập trung được một số vùng chuyên canh sản xuất rau lớn như Mê Linh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Thường Tín, Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ… với diện tích rau các loại đạt 32.696ha, sản lượng đạt 723,3 nghìn tấn, tăng 1,78% so với cùng kỳ năm 2020.

Một số vùng chuyên canh sản xuất rau lớn trên địa bàn Thủ đô

Ông Nguyễn Mạnh Quyền nhận định, trong thời gian tới, để phát triển nông nghiệp Hà Nội cần có định hướng, chính sách riêng biệt, khác với các tỉnh, thành phố khác. Cụ thể, ngành nông nghiệp Thủ đô phải gắn chặt với vấn đề đô thị hóa, dịch vụ cho đô thị, cũng như khai thác, tiềm năng thế mạnh về chất xám, khoa học công nghệ và nhân lực chất lượng cao.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề ra một số biện pháp phát triển nông nghiệp Hà Nội như: tập trung vào giống; phát triển, mở rộng các công nghệ chế biến; xây dựng thêm các mô hình nông nghiệp công nghệ cao xứng tầm Thủ đô; nâng cao năng lực phát triển thủy sản, dựa trên nguồn nước từ sông Đà, sông Tích; quy hoạch một số vùng sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ; đẩy mạnh chuyển đổi số.

Trong đó, ông Nguyễn Mạnh Quyền đặc biệt quan tâm đến biện pháp phát triển thủy sản và coi đây là vấn đề cốt lõi, vừa giúp Hà Nội giải quyết việc thiếu hụt nguồn cung thủy sản vừa là tiền đề phát triển các công trình tiêu, thoát nước trong mùa mưa lũ. 

Bên cạnh đó, trong buổi làm việc với Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị Bộ quan tâm, giới thiệu các doanh nghiệp lớn, có năng lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, giết mổ, chế biến, chợ đầu mối nông sản… trên địa bàn thành phố.

Trước mắt, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm Hà Nội (tại webstie: check.hanoi.gov.vn) cho hơn 3.100 cơ sở là các doanh nghiệp, hợp tác xã, với trên 10.900 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác hỗ trợ, tư vấn phát triển sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn; đồng thời cam kết tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Lâm Bảo (T/H)