Khối thi đua các Sở NN&PTNT vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm 12 tỉnh và thành phố Cần Thơ, chia thành 3 cụm: cụm thi đua số 1 gồm Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Long An; cụm thi đua số 2 gồm Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng; cụm thi đua số 3 gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau.
Tại hội nghị, các đại biểu cùng thảo luận nội dung, quy chế hoạt động, cách tính điểm, chia cụm, tổ chức hội thao… từ đó thống nhất phát động phong trào thi đua thiết thực, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh, thành phố. Trong đó, phát động sâu rộng phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào thi đua yêu nước cùng với cuộc vận động “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Lễ ký kết giao ước thi đua khối các Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2024
Theo đó, 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết giao ước thi đua với 3 cụm thi đua. Giao ước gồm các nội dung chính như: thi đua đưa tốc độ tăng trưởng ngành đạt và vượt chỉ tiêu của Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND tỉnh, thành phố giao; thực hiện hưởng ứng phong trào thi đua của Chính phủ và Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục triển khai thực hiện phong trào thi đua Toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chung sức xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp giàu có, nông nghiệp thông minh giai đoạn 2021 - 2025.
Tiếp tục thi đua thực hiện cuộc vận động Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thi đua thực hiện cải cách hành chính, duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh công tác thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; thực hiện có hiệu quả quy chế làm việc, quy chế dân chủ cơ sở...
Các đơn vị đăng ký thi đua theo các chỉ tiêu cụ thể gồm: thực hiện nhiệm vụ chính trị với các nhiệm vụ là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phát triển nông thôn, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông sản, truy xuất nguồn gốc; đánh giá kết quả về: tốc độ tăng sản lượng cây trồng tùy theo lợi thế của từng địa phương (trừ cây lúa), tốc độ tăng trưởng vật nuôi, thủy sản tùy theo lợi thế của từng địa phương; thực hiện công tác quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai, thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, thủ tục hành chính…