Văn hóa, du lịch

Phố bảo tàng bên sông Hương

Thứ năm, 4/3/2021 | 10:46 GMT+7
Thời gian gần đây, lãnh đạo UBND thành phố Huế đã và đang cải tạo đường Lê Lợi – tuyến đường đẹp nhất thành phố Huế thành “phố bảo tàng”.

Theo đó, đường Lê Lợi hiện không chỉ là cung đường thơ mộng nằm dọc theo bờ Nam sông Hương của trung tâm thành phố Huế mà còn được định danh là nơi lưu giữ, trưng bày nét đẹp văn hóa truyền thống của kiến trúc đô thị Huế, với hệ thống nhà trưng bày, bảo tàng, khu nghệ thuật… trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách.

Tuyến đường Lê Lợi không chỉ có nhiều tòa nhà kiến trúc Pháp tiêu biểu, hệ thống cây xanh mà còn là không gian với nhiều điểm đến công cộng lý tưởng. Vì thế, việc hình thành “phố bảo tàng” đã làm cho tuyến đường Lê Lợi nói riêng và trung tâm thành phố Huế nói chung có được dấu ấn riêng, qua đó, vừa nâng tầm giá trị văn hóa vừa mở ra cơ hội phát triển du lịch gắn với bảo tàng.

Không dừng lại ở đó, hơn một năm qua, song song với đường Lê Lợi đã xuất hiện một tuyến đường đi bộ bằng gỗ lim nằm tiếp giáp với sông Hương và kết nối với các trục đường đi bộ được đầu tư bài bản. Vì thế, chỉ mất vài phút, du khách có thể đi từ bảo tàng này sang không gian nghệ thuật khác và cũng từ đó có thể tiếp tục đi bộ ra bờ sông Hương.

Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng trên phố Lê Lợi 

Tại đây, du khách có thể vào thăm quan trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, nơi trưng bày hàng trăm tác phẩm nghệ thuật của họa sư nổi tiếng. Cách đó không xa, chỉ cần đi bộ vài chục bước chân, du khách có thể tới không gian thêu nghệ thuật tại Bảo tàng thêu XQ để chiêm ngưỡng những tác phẩm được tạo tác từ vô vàn đường kim, mũi chỉ qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân.

Cạnh cầu Trường Tiền, không gian trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị ở số 17 Lê Lợi là nơi lưu giữ và trưng bày gần 500 tác phẩm nghệ thuật - món quà vô giá của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị trao tặng cho Huế trước khi qua đời. 

Ngoài ra, trong thời gian tới, trụ sở UBND tỉnh dự kiến sẽ dời về trung tâm hành chính tập trung, nơi đây sẽ trở thành Bảo tàng Mỹ thuật Huế hoặc một thiết chế văn hóa - du lịch, dịch vụ khác. Bên cạnh đó, khi một số nhà công sở nằm trên tuyến đường này dời đi, thành phố sẽ tính toán điều chỉnh công năng để tạo thêm các không gian văn hóa sinh động, hấp dẫn và sang trọng cho tuyến phố.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên Huế nhận định, trục đường trung tâm Lê Lợi được xem như là "thần sắc", "bộ mặt" của cố đô Huế. Tuyến đường này không chỉ ở cạnh sông Hương mà còn mở hướng, kết nối với các trục đường phía Nam của thành phố Huế. Cho nên, việc quy hoạch tuyến đường trở thành nơi đặt các không gian văn hóa, nghệ thuật cũng như các hoạt động du lịch phục vụ đời sống văn hóa là rất cần thiết, đúng hướng.

Theo bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế, việc hình thành không gian văn hóa nghệ thuật bên bờ sông Hương hứa hẹn sẽ khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế của thương hiệu Huế, tạo thành các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, lịch sử hấp dẫn và phong phú. Tạo động lực phát triển bền vững ngành kinh doanh dịch vụ, du lịch khu vực trung tâm, kết hợp khu phố Tây để mở rộng cho toàn tuyến đường Lê Lợi.

Đặc biệt, lãnh đạo Sở Văn hóa – Thông tin cũng đang lên phương án mở cửa các không gian trưng bày về đêm, cùng với các hoạt động nghệ thuật, dịch vụ xen ghép, đồng thời kêu gọi các đơn vị lữ hành đưa vào tour tham quan nhằm đẩy mạnh du lịch toàn diện.

Kim Bảo (t/h)