Năng lượng tái tạo

Quảng Ninh: Lợi ích kép từ việc tận dụng đất đá thải mỏ

Thứ sáu, 20/8/2021 | 10:22 GMT+7
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh triển khai hàng loạt các dự án trọng điểm. Vì vậy nhu cầu đất đá để san lấp là rất lớn. Việc sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp các dự án vừa tiết kiệm tài nguyên vừa đảm bảo an toàn cho các bãi thải mỏ.

Lợi ích kép từ việc tận dụng đất đá thải mỏ

Quảng Ninh có một nguồn đất đá rất dồi dào thải ra từ quá trình khai thác của các mỏ thuộc ngành Than với 6 bãi thải mỏ lớn đang hoạt động tập trung tại các địa bàn: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí và Đông Triều.

Theo tính toán, khối lượng đất đá thải tại các mỏ do TKV quản lý (chủ yếu nằm trên địa bàn Quảng Ninh) khoảng 1.210 triệu m3; khối lượng đất đá thải tại các mỏ do Tổng Công ty Đông Bắc quản lý khoảng 268 triệu m3. Trung bình mỗi năm, các đơn vị ngành Than và Tổng Công ty Đông Bắc thải ra trên 150 triệu m3 đất đá thải mỏ không có khoáng sản đi kèm.

Tuy ngành Than đã có nhiều giải pháp giảm thiểu tác động đến môi trường và hoàn nguyên các bãi thải, nhưng vẫn còn một số bãi tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân lân cận và hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Do vậy, việc hạ thấp độ cao bãi thải mỏ cũng là một yêu cầu cấp thiết của tỉnh và ngành Than.

Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan nghiên cứu, lập đề án về việc tận dụng nguồn vật liệu đất đá thải mỏ bỏ đi để làm vật liệu san lấp và bước đầu đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép triển khai thí điểm tại vỉa 17 cánh Tây mỏ than Núi Béo, với trữ lượng khoảng 700.000m3 để phục vụ cho dự án đường bao biển nối TP Hạ Long và TP Cẩm Phả. Từ tháng 3/2021, đất đá thải đã được bốc xúc, phục vụ san lấp dự án trọng điểm này. Cùng với đó, tỉnh cũng đang tích cực xây dựng các phương án, báo cáo và đề nghị Bộ xem xét, giải quyết cho phép tỉnh chủ động trong thực hiện nội dung này tại các bãi thải có thể sử dụng. 

Tuy đã tích cực, chủ động nhiều phương án, song kết quả thực hiện việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp vẫn còn chậm, chưa đáp ứng đủ yêu cầu đặt ra. Hạn chế này do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chính là theo Luật Khoáng sản, hoạt động khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ không thuộc thẩm quyền trực tiếp của UBND cấp tỉnh mà phải báo cáo xin ý kiến Bộ TN&MT trong từng trường hợp. Mặt khác, việc khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ sẽ làm thay đổi nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo phục hồi môi trường đã được phê duyệt của các dự án mỏ, nên phải mất nhiều thời gian hoàn thiện lại các thủ tục về môi trường trước khi tiến hành khai thác...

Để giải quyết những khó khăn này, thời gian tới, Sở TN&MT - đơn vị được giao chủ trì nội dung này sẽ tiếp tục bám sát Bộ TN&MT để sớm có văn bản đồng ý trong việc cho tỉnh chủ động thực hiện phương án sử dụng đất đá thải mỏ; phối hợp với các sở, ngành, cơ quan tham mưu việc hạn chế tối đa khai thác đất đá tự nhiên làm vật liệu san lấp, tập trung sử dụng nguồn đất đá thải mỏ đã được cấp phép để làm vật liệu san lấp. Đồng thời, các chủ đầu tư, nhà thầu dự án có nhu cầu về vật liệu san lấp mặt bằng cũng đã và đang chủ động trao đổi với các đơn vị ngành Than để nghiên cứu, lên phương án chi tiết về khối lượng, chủng loại, vị trí mỏ, đường vận chuyển, bến cảng chuyển nhận, giá thành... để ngành than triển khai các thủ tục cấp phép, cải tạo hạ tầng, kịp thời cung ứng vật liệu.

Tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ sát sao trong việc báo cáo Chính phủ, Bộ TN&MT trong việc sửa đổi Luật Khoáng sản theo hướng coi đất đá thải mỏ là chất thải rắn thông thường, không phải là khoáng sản đi kèm than để thuận tiện trong việc thu hồi, tái sử dụng, đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn.

Mộc Mộc