Nông nghiệp sạch

Quảng Trị đẩy mạnh phát triển lúa VietGAP, lúa hữu cơ

Thứ sáu, 7/5/2021 | 17:50 GMT+7
Với mục tiêu phát triển, nâng cao năng suất của lúa VietGAP, lúa hữu cơ, UBND tỉnh Quảng Trị đã liên kết với doanh nghiệp phát triển các vùng sản xuất chuyên canh lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP thông qua hợp tác với hợp tác xã.

Trong buổi làm việc về ngành lúa gạo, cụ thể là sản xuất gạo sạch, gạo hữu cơ, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã hợp tác với Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) để thống nhất thực hiện và xây dựng đề án quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ Quảng Trị trong giai đoạn 2021 – 2022.

Dự án nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân trồng lúa, xây dựng và định hình mô hình liên kết giữa 5 nhà; xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo sạch, gạo hữu cơ Quảng Trị để xuất khẩu; thành lập sàn giao dịch lúa gạo để tăng giá trị khi trái vụ; áp dụng dịch vụ nông nghiệp vào sản xuất để giảm chi phí...

Mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ có trên 1.000ha lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, trên 3.000ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và đến năm 2030 sẽ có hơn 7.000ha lúa VietGAP (chiếm 35% sản lượng lúa toàn tỉnh). Dự án sẽ được triển khai thí điểm tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng.

Theo thông tin của chủ đầu tư Sepon Group, giai đoạn 2021 - 2022 sẽ đưa nhà máy sấy công suất 200 tấn/ngày, kho chứa lúa công suất 2.000 tấn đi vào hoạt động. Có 200ha sản xuất lúa hữu cơ, 300ha sản xuất lúa VietGAP; mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Đồng thời, hỗ trợ cho doanh nghiệp chi phí đầu tư xây dựng nhà máy sấy lúa, đầu tư kho chứa lúa thành phẩm để dự trữ lúa cho người dân, hợp tác xã sản xuất lúa hữu cơ, VietGAP, hình thành sàn giao dịch lúa gạo.

Vùng trồng lúa hữu cơ tại tỉnh Quảng Trị

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá, đề án cơ bản có sức thuyết phục cao, sản xuất lúa hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập và tiết kiệm sức lao động cho người dân. UBND sẽ giao cho các huyện nằm trong đề án nhiệm vụ lựa chọn những cánh đồng lớn để tổng hợp, báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ, lúa VietGAP của tỉnh.

Trong đó ông Đồng nhấn mạnh, việc ký hợp đồng giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, địa phương, người nông dân, các đơn vị liên quan hợp tác liên kết sản xuất cây lúa phải cụ thể, gắn kết trách nhiệm với nhau.

Để dự án sớm được triển khai, chủ đầu tư kiến nghị chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng thương hiệu tập thể “Gạo hữu cơ Quảng Trị” kèm các tiêu chí, tiêu chuẩn để tổ chức, cá nhân đạt được thì có thể sử dụng thương hiệu này luôn. Hỗ trợ người dân xây dựng khu sản xuất, chi phí giống, phân bón, bù năng suất trong 2 năm đầu. Đồng ý để nhà đầu tư phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng nguyên liệu lúa hữu cơ, VietGAP...

Dự án phát triển lúa VietGAP, lúa hữu cơ Quảng Trị do Sepon Group làm chủ đầu tư được kỳ vọng sẽ đem đến hiệu quả cao cho người nông dân, khi được canh tác, phát triển lúa gạo theo mô hình tiêu chuẩn trên chính mảnh đất do mình làm chủ, phù hợp với xu thế nông nghiệp 4.0 mà tỉnh đang hướng đến.

Huyền Dung (T/h)