Theo đó, nhiều mặt hàng nông sản có thương hiệu, nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần phát triển bền vững nông nghiệp Thủ đô.
Cụ thể, Hà Nội đã đẩy mạnh việc kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn thông qua hội chợ, hội nghị, hội thảo để doanh nghiệp và người sản xuất tìm hiểu thông tin, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, ngành nông nghiệp phối hợp với các hội, đoàn thể nhằm đưa người tiêu dùng chủ yếu là phụ nữ tham quan khu sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm để quảng bá giới thiệu sản phẩm.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Khánh Phong (Mê Linh) Nguyễn Thế Lâm cho biết, từ khi xây dựng được thương hiệu chứng nhận vùng trồng quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, tham gia công tác xúc tiến thương mại tiêu thụ qua các hội chợ, kênh bán hàng trực tuyến đến nay, các sản phẩm của HTX như ổi, đu đủ, bưởi, táo... đã có mặt tại nhiều hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch của các tỉnh, thành phố; doanh thu trung bình 500 - 700 triệu đồng/ha/năm.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2021/4/23/hoi-cho-nong-san-an-toan-20210423154721432.jpg)
Nông sản sạch, an toàn được bày bán, giới thiệu trong hội chợ trên đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội)
Đánh giá về hiệu quả của chương trình xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản an toàn, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trung bình mỗi năm, ngành nông nghiệp Hà Nội tổ chức 3 - 4 hội chợ, hàng chục hội nghị tuyên truyền sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo chuỗi thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, Giám đốc trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội Bùi Thanh Hương thông tin, để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, những năm gần đây, Hà Nội thúc đẩy kết nối thông qua loại hình thương mại điện tử, giới thiệu các doanh nghiệp, người sản xuất và xây dựng chợ thương mại điện tử www.chonhaminh.gov.vn chuyên về sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, sàn thương mại điện tử này đã tạo lập được hơn 200 gian hàng cho các doanh nghiệp, chuỗi giá trị, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn. Qua các hội chợ, triển lãm, tuần hàng và kênh phân phối của Hà Nội, nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của các địa phương đã được người tiêu dùng cả nước biết đến, sản lượng bán ra tăng 20 - 30% so với trước đây.
Từ nay đến cuối năm 2021, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người sản xuất đồng thời đẩy mạnh khâu tiêu thụ nông sản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại theo vùng để thúc đẩy liên kết vùng trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nhằm tạo ra các vùng nguyên liệu lớn, sản lượng lớn, năng suất cao phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu. Về phía các địa phương, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân từng bước thay đổi phương thức sản xuất, trồng trọt, hướng tới an toàn, chất lượng, quy mô và bảo đảm an toàn thực phẩm; tạo cơ hội tiếp cận và nâng cao kỹ năng trong công tác xúc tiến, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống bán lẻ hiện đại.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức các hội chợ, kết nối, giao thương để doanh nghiệp và người dân ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng qua chợ thương mại điện tử.