Nông nghiệp sạch

Sóc Trăng phát triển kinh tế nông thôn bền vững từ Chương trình OCOP

Thứ ba, 10/1/2023 | 15:32 GMT+7
Sóc Trăng đẩy mạnh phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn, góp phần tái cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người dân nông thôn.

Chương trình OCOP góp phần phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của nông dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang thương hiệu lợi thế mỗi huyện, mỗi xã giúp nông dân giải quyết những vấn đề căn cơ trong giải pháp thực hiện giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP đã tạo thương hiệu cho từng địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao, được nhiều thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Tỉnh Sóc Trăng hiện có 189 sản phẩm được Hội đồng cấp tỉnh đánh giá đạt từ 3 sao OCOP trở lên; trong đó có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 19 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 169 sản phẩm hạng 3 sao của 102 chủ thể.

Để các sản phẩm đạt sao OCOP, tỉnh đã hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm trong suốt quá trình triển khai đề án, cụ thể như: hỗ trợ công nghệ, trang thiết bị máy móc cho 18 sản phẩm; hỗ trợ chất lượng, chứng nhận chất lượng cho 62 sản phẩm; hỗ trợ thiết kế, in ấn bao bì nhãn mác cho 63 sản phẩm; hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ cho 81 sản phẩm; xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị cho 18 sản phẩm; xây dựng website, thương mại điện tử cho 53 sản phẩm…

Sóc Trăng phát triển Chương trình OCOP hướng đến phát triển kinh tế cộng đồng bền vững

Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng Võ Văn Chiêu, Chương trình OCOP đã tạo được sự lan tỏa rộng khắp, góp phần tái cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người dân nông thôn. Các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 – 4 sao đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã, bao bì; bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thấy được lợi ích của Chương trình OCOP nên tích cực, chủ động tham gia. Nhờ đó, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP có chiều hướng tăng lên. Các địa phương đã quan tâm, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên có sẵn trên địa bàn, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng chuẩn hóa sản phẩm OCOP nên bước đầu hình thành được các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương…

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã xác định phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phát triển nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, việc đẩy mạnh chương trình OCOP có vai trò đặc biệt quan trọng, là hạt nhân để đẩy mạnh các sản phẩm có chất lượng cao, khối lượng lớn, có giá trị gia tăng cao. Từ đó, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế nông thôn, giúp đời sống người dân ở nông thôn Sóc Trăng được cải thiện. Do đó, để sản phẩm OCOP của Sóc Trăng được vươn xa hơn, tỉnh sẽ đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP và tổ chức nhiều hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP.

Thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 200 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao OCOP trở lên; củng cố và nâng hạng ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và xếp hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa; có ít nhất 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại…

Với mục tiêu trên, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục phát triển đa dạng sản phẩm OCOP; tổ chức quán triệt sâu rộng, tuyên truyền, tập huấn, làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp; hỗ trợ các chủ thể thường xuyên nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được công nhận; xây dựng trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP; chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ trong sản xuất sản phẩm. Đối với các chủ thể OCOP, tỉnh hỗ trợ nâng cao chất lượng, quản trị quy trình sản xuất và phát triển sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, tổ chức giới thiệu sản phẩm, bán hàng, xúc tiến thương mại…

Mộc Trà (T/H)