Sơn La: Kiểm tra việc bảo vệ môi trường ở các cơ sở chế biến nông sản

Thứ tư, 15/9/2021 | 17:15 GMT+7
Mới đây, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 2150/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và các lĩnh vực có liên quan với các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đoàn kiểm tra, giám sát sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và các lĩnh vực có liên quan với các cơ sở chế biến nông sản lớn trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, đoàn giao Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường chịu trách nhiệm lấy mẫu, phân tích chất lượng nước thải, khí thải, chất thải của các cơ sở. Căn cứ vào kết quả thu được, đoàn sẽ xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định các vi phạm hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm (nếu có). Qua đó, kiến nghị, đề xuất các nội dung có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và các lĩnh vực có liên quan với các cơ sở được kiểm tra.

Đoàn kiểm tra, giám sát bắt đầu hoạt động từ nay đến hết ngày 31/5/2022.

Kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến nông sản để bảo vệ môi trường, tài nguyên nước

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La cũng có công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước với hoạt động chế biến nông sản, chăn nuôi trên địa bàn. Trong đó, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của đoàn kiểm tra liên ngành với các cơ sở chế biến nông sản, chăn nuôi hộ gia đình, hộ kinh doanh quy mô nhỏ, đảm bảo chất thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn) phải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận. Thời gian thực hiện từ tháng 9/2021 đến hết tháng 5/2022.

Đáng lưu ý, công tác chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh cần đặc biệt phải được kiểm tra, đánh giá về yếu tố môi trường. Cụ thể, tiến hành đánh giá khả năng hoạt động của các công trình xử lý chất thải, công trình lưu giữ nước thải chế biến cà phê, đảm bảo không để xảy ra tình trạng xả chất thải chưa qua xử lý ra nguồn tiếp nhận gây ô nhiễm môi trường.

UBND cấp xã cần cử cán bộ thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động chế biến cà phê, không để phát sinh các cơ sở chế biến cà phê tự phát quy mô nhỏ, không có công trình xử lý chất thải, công trình biện pháp bảo vệ môi trường hoạt động trên địa bàn gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguồn nước, đặc biệt vào thời gian từ 18g đến 5g sáng ngày hôm sau. Trường hợp phát hiện cơ sở không đủ điều kiện tiến hành hoạt động thì phải thực hiện đình chỉ và xử lý nghiêm theo quy định.

Đối với các cơ sở đã đăng ký hoạt động niên vụ 2021 - 2022, cần xây dựng kế hoạch sắp xếp các cơ sở chế biến, bố trí lịch sản xuất cụ thể tránh tập trung nước thải, đảm bảo khả năng tiếp nhận nước thải của môi trường hợp lý. Xây dựng kế hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê niên vụ 2021 - 2022 trên địa bàn; có giải pháp cụ thể, hiệu quả hỗ trợ giúp đỡ người dân thu hoạch, tiêu thụ, khuyến khích chế biến tại các cơ sở lớn đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, vỏ bã cà phê.

Mộc Trà (T/H)