TP Thái Nguyên: “Linh hoạt” trong việc chuyển đổi đất lúa cho người dân

Thứ hai, 7/10/2019 | 11:00 GMT+7
Mua gom đất lúa xen kẹp trong khu dân cư với diện tích trên dưới 1ha sau đó chuyển đổi sang đất ở với hàng chục, hàng trăm bìa đỏ mang tên 1 hộ gia đình hay một cá nhân để rồi dễ dàng đem phân lô bán đất nền như một dự án được cấp phép.

Hàng nghìn ha đất nông nghiệp biến thành đất ở

Trong giai đoạn 2016 - 2018, thành phố Thái Nguyên cho phép chuyển đổi 978 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nhưng có tới 410 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất “không có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt”.

Theo Điều 69, Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về trình tự cho phép chuyển mục đích sử dụng đất: “Người sử dụng đất nộp đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất kèm theo giấy chứng nhận đến cơ quan tài nguyên và môi trường sau đó cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ.

Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

Đối với trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người đang sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất đồng thời với thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định”.

Điển hình tại tổ 37, phường Phan Đình Phùng, một tổ dân phố có tới 3 khu dân cư tự phát với diện tích mỗi khu rộng hàng nghìn mét vuông. Khu dân cư này là sản phẩm của việc chuyển đổi từ đất lúa sang đất ở. Tuy nhiên, trên biểu quản lý của chính quyền vẫn thể hiện diện tích đất lúa.

Cụ thể, trường hợp của ông Phạm Minh Tuấn có 2 thửa đất, mỗi thửa rộng vài nghìn mét vuông trên địa bàn 2 phường Gia Sàng và Phan Đình Phùng. Hai thửa đất này vốn là đất nông nghiệp nhưng đã được chuyển đổi, phân lô bán cho các cá nhân xây dựng nhà ở. Hoạt động này giống như một dự án kinh doanh nhà đã được cấp có thẩm quyền cấp phép tuy nhiên không phải vậy.

Tại tổ 17 phường Thịnh Đán, một mảnh đất có diện tích rộng 8.584,4 m2 của bà Nguyễn Thị Thu Hà (Nguyễn Mai Toại) được UBND thành phố Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận QSDĐ năm 2003, trong đó có 3.452,7 m2 đất ở còn lại 4.924,4 m2 đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, đến tháng 7/2018 toàn bộ diện tích đất ở trên đã được chuyển sang tên cho bà Lương Hà Giang, từ đây, toàn bộ diện tích 8.584,4m2 được san gạt mặt bằng xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phân lô bán đất nền trên cả phần diện tích đất nông nghiệp chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Sau đó, UBND phường Thịnh Đán đã ban hành 2 QĐ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và trật tự xây dựng buộc khôi phục lại tình trạng đất trước khi vi phạm nhưng cho đến nay phần diện tích đất nông nghiệp vẫn không được khắc phục, việc bán đất nền vẫn diễn ra và liệu ai đang trực tiếp tiếp tay cho việc hợp thức và chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở trong trường hợp này?

Phá vỡ quy hoạch - trách nhiệm của cơ quan quản lý đô thị?

Tại Điều 52, Luật Đất đai 2013 có quy định việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải nằm trong “Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất”.

Nắm được tâm lý, hiểu được luật nên một số “đầu nậu” đã đi mua gom những thửa đất lúa nằm xen kẹp trong khu dân cư với diện tích hàng nghìn mét vuông, thậm chí có khu lên tới cả ha sau đó các “đầu nậu” cấu kết với một số cán bộ địa chính để hợp thức việc chuyển đổi bằng cách “ngó lơ việc thẩm tra hồ sơ, xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất...”.

Quy định của Luật rất rõ ràng và chặt chẽ, nhưng lãnh đạo thành phố Thái Nguyên vẫn “nhắm mắt làm ngơ” bỏ lọt khâu thẩm định hồ sơ và nhu cầu sử dụng đất của các hộ gia đình nên có tình trạng hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp đã được chuyển đổi không có trong kế hoạch, một thửa đất nông nghiệp sau khi được chuyển đổi được tách ra hàng chục, hàng trăm chiếc bìa đỏ đất ở để các cá nhân dễ dàng lập lên các khu đô thị tự phát.

Theo chuyên gia xây dựng, việc buông lỏng quản lý đất đai trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đã cho thấy công tác quản lý đất đai đang có rất nhiều vấn đề, thể hiện qua các trường hợp sử dụng đất sai mục đích. Chính quyền để người sử dụng đất tự ý đổ đất, san gạt mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên đất nông nghiệp, hình thành các khu dân cư tự phát và để người sử dụng đất tự ý đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật không đúng quy hoạch trên phần diện tích đất trả lại để làm đường giao thông vào các thửa đất khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Với cách vận dụng linh hoạt của lãnh đạo thành phố và việc “núp bóng” của các cá nhân sẽ dẫn đến tình trạng người người, nhà nhà có thể tự lập quy hoạch, tự đấu nối hạ tầng kỹ thuật, làm đường phân khu - phân lô xây dựng nhà và bán đất nền tạo lên những khu dân nhỏ lẻ tự phát mặc nhiên cho phá vỡ quy hoạch chung của thành phố mà không gặp phải sự kiểm soát, quản lý, cấp phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, tạo nên sự bất bình đẳng trong kinh doanh, sẽ là thiệt hại vô cùng lớn cho ngân sách nhà nước nếu triển khai thực hiện dự án thu hồi đất.

PV