Vi phạm nhận chìm tại vùng biển có thể bị phạt tới 1 tỷ đồng

Thứ sáu, 27/9/2019 | 14:47 GMT+7
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay hệ thống văn bản pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường biển còn thiếu; chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Thêm vào đó, công tác quản lý hoạt động vận tải biển, khai thác khoáng sản, khai thác cảng biển, hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản thiếu chặt chẽ khiến các đối tượng chạy theo lợi ích kinh tế, cố tình vi phạm như: không đầu tư xử lý chất thải mà xả trực tiếp ra biển gây ô nhiễm môi trường biển; trong hoạt động đánh bắt hải sản,… hay những hành vi gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng và gây hậu quả rất lớn, đặc biệt là các hành vi không đảm bảo an toàn hàng hải gây ra các vụ tai nạn do va quệt, đâm va của các tàu vận tải dầu, các hóa chất độc hại khác hay sự thải bỏ, nhận chìm chất thải không đúng quy định...

Điểm đặc biệt trong Dự thảo này đó là xử lý vi phạm nhận chìm và phòng ngừa sự cố môi trường biển trong giai đoạn nhận chìm ở biển. Dự thảo quy định các hành vi vi phạm gồm: (1) Nhóm hành vi vi phạm nội dung trong Giấy phép nhận chìm ở biển; (2) Nhóm hành vi vi phạm các quy định khác trong hoạt động nhận chìm ở biển; (3) Nhóm hành vi vi phạm về thực hiện nhận chìm ở biển khi không có Giấy phép nhận chìm.

Dự thảo Nghị định đề xuất sẽ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực dữ liệu, thông tin về hoạt động nhận chìm ở biển khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu hoặc thực hiện không đúng chế độ thông tin, báo cáo về hoạt động nhận chìm theo quy định của pháp luật.

Hành vi nhận chìm ở vùng biển Việt Nam đối với vật, chất nhận chìm phát sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam bị phạt tới 1 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp khắc phục sự cố môi trường biển trong quá trình hoạt động nhận chìm ở biển của mình gây ra.

Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi không bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hoạt động nhận chìm ở biển không đúng quy định của mình gây ra.

Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi nhận chìm ở vùng biển Việt Nam đối với vật, chất nhận chìm phát sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung đối với một số trường hợp vi phạm sẽ là: Đình chỉ hoạt động nhận chìm có thời hạn đối với trường hợp vi phạm quy định.

Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện nhận chìm khi không có Giấy phép nhận chìm ở biển mà vị trí nhận chìm thuộc khu vực đã được phê duyệt hoặc quy hoạch.

Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện nhận chìm khi không có Giấy phép nhận chìm ở biển nhưng vật, chất không thuộc danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển mà có hàm lượng các thông số trong thành phần vật, chất nhận chìm nhỏ hơn giới hạn cho phép.

Phạt tiền với hành vi thực hiện nhận chìm khi không có giấy phép nhận chìm ở biển nhưng vật, chất không thuộc danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển mà có hàm lượng một trong các thông số trong thành phần vượt quy chuẩn kỹ thuật như sau: Phạt tiền từ 550.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với hành vi nhận chìm vật, chất mà có hàm lượng một trong các thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 1,1 lần đến 1,5 lần; phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 650.000.000 đồng đối với hành vi nhận chìm vật, chất mà có hàm lượng một trong các thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 1,5 lần đến 3 lần…

Vũ Nam